“Bữa trưa miễn phí” cho doanh nghiệp Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung?

0
118
Việt Nam có thể nhận được những lợi ích đáng kể trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: Bloomberg)

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng đưa ra một thỏa thuận tốt đẹp để hạn chế tổn thất của cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm thì các doanh nghiệp Việt Nam lại đang trở thành đối tượng hưởng lợi của cuộc chiến chưa hồi kết này.

Việt Nam có thể nhận được những lợi ích đáng kể trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. (Nguồn: Bloomberg)

Năm 2018, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (một công ty nội thất có trụ sở tại Hà Nội) đã nhận được một lượng khách quốc tế đáng kể. Sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra mức thuế quan đối trị giá 360 tỷ USD cho hàng hóa của nhau, các khách hàng của Công ty Xuân Hòa, bao gồm cả “đại gia” nội thất Thụy Điển Ikea – đã chuyển hướng một số mặt hàng từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam.

Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam Lê Duy Anh cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp. “Chỉ trong khoảng 3 tháng đầu năm 2018, có ít nhất 10 khách hàng tiềm năng từ nước ngoài đã gọi điện đến văn phòng của công ty. Dự kiến, doanh số của công ty sẽ tăng gấp đôi trong năm 2019”, ông Duy Anh nói.

Công ty Xuân Hòa đã làm việc với Ikea hơn 17 năm nhưng thời gian gần đây, “đại gia” nội thất Thụy Điển bắt đầu đặt hàng thêm các phụ kiện bằng kim loại nhỏ. Giá các sản phẩm này của Công ty Xuân Hòa rẻ hơn khoảng 4 Cents/sản phẩm so với nhà cung cấp Trung Quốc của Ikea.

Theo Ikea, giống như tất cả các công ty đang phát triển khác, Ikea luôn tìm kiếm cơ hội cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung ứng tối ưu, giữ chi phí thấp cho khách hàng. Và hướng chuyển từ các nhà cung cấp Trung Quốc sang Xuân Hòa là một trong những ví dụ điển hình.

Việt Nam thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ sự nổi tiếng về hàng hóa có chi phí thấp. Một công nhân nhà máy ở Việt Nam được trả khoảng một nửa số tiền mà đồng nghiệp của anh ta nhận được tại Trung Quốc. Mức điện của Việt Nam cũng rẻ vì nhận được một phần trợ cấp của chính phủ.

Bên cạnh đó, vị trí gần kề Trung Quốc cũng là một điểm làm gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Các công ty Trung Quốc cần nguyên vật liệu thô hoặc linh kiện của Mỹ có thể tìm mua các hàng hóa này với giá chi phí thấp hơn từ Việt Nam.

Không chỉ thế, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang thúc đẩy một xu hướng tăng trưởng đều đặn kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Nền kinh tế đã phát triển thành một trong những nước phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới, cùng “hàng tá” hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó 11 hiệp định có hiệu lực, chưa tính đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Sau một thời gian dài được thông báo là đã kết thúc đàm phán, kỳ vọng EVFTA cũng sẽ được Quốc hội của cả hai bên thông qua.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng đáng kể và thực sự khởi sắc vào năm 2014 sau khi Samsung Electronics Co. công bố kế hoạch chuyển sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam để bù đắp lợi nhuận. Vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2017, chiếm 1/5 tổng số đầu tư vào khu vực.

Ngoài ra, giống như năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu nhưng cũng không thể phủ nhận những cơ hội đáng kể mà Việt Nam có thể nhận được từ Mỹ. Trong ba tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 6,79%, đạt mức tăng trưởng quý đầu tiên mạnh thứ hai trong thập kỷ qua. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 26% trong quý I/2019. Viện nghiên cứu Mizuho dự đoán, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ nâng sản lượng kinh tế của Việt Nam lên khoảng 0,5 điểm phần trăm, mức biên độ lớn nhất trong số các nước châu Á.

Hà Văn Thành, một công nhân lắp ráp tại Công ty Xuân Hòa cho biết, Mỹ là thị trường tốt mà Xuân Hòa muốn hướng tới. “Tôi tin rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều tiềm năng hợp tác với nhau. Sản phẩm nội thất của chúng tôi có thể cạnh tranh tốt với các sản phẩm của Trung Quốc”, ông Thành khẳng định.

Linh Nguyễn (theo Bloomberg)

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here