Ngày 16/12/2020, Inside Trade dẫn thông báo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ, trong khi đưa thêm Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách các quốc gia cần giám sát.
Báo cáo cuối cùng của Bộ Tài chính được đưa ra cách đây 11 tháng vào tháng 1/2020, vài ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và Mỹ đã dỡ bỏ kết luận Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đây mới chỉ là lần thứ ba Bộ Tài chính công bố Báo cáo định kỳ 6 tháng về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối trong hai năm qua. Việt Nam và Thụy Sĩ là quốc gia thứ hai và thứ ba bị Chính quyền Trump kết luận thao túng tiền tệ.
Theo Inside Trade, Việt Nam bị xác định là nước thao túng tiền tệ 02 tháng sau cuộc điều tra theo điều khoản 301 mà USTR đưa ra vào tháng 10 về thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam, cùng với cuộc điều tra thuế chống trợ cấp đối với lốp xe do Bộ Thương mại Mỹ tiến hành. Báo cáo cho biết nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại kể từ năm 2012, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hàng hóa trong lĩnh vực điện tử và sản xuất khác.
Báo cáo cũng đánh giá thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam “phản ánh sự mở rộng lớn năng lực xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực may mặc và công nghệ, và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng” trong khi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Việt Nam lại gây cản trở xuất khẩu ô tô, nông sản và các mặt hàng khác của Mỹ. Thâm hụt đó đã tăng lên 58 tỷ USD từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, tăng 25% so với năm trước.
Inside Trade cũng dẫn khuyến nghị của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng Việt Nam nên giảm các can thiệp ngoại hối và chuyển sang chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu; kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường tính minh bạch và kịp thời của dữ liệu về can thiệp, dự trữ ngoại hối và cân đối ngoại tệ. Một khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện đại, mạnh mẽ hơn sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển đổi sang cơ chế chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu, thay vì dựa vào tỷ giá hối đoái.
Với các đối tác khác, Bộ Tài chính Mỹ cũng kêu gọi việc cần chống lại các cám dỗ được kích thích bởi suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là chính sách tài khóa và tiền tệ của các nền kinh tế lớn vẫn hỗ trợ hoạt động trong ngắn hạn, trong khi các chính sách cơ cấu được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng trung và dài hạn. Với triển vọng tăng trưởng toàn cầu bị giảm sút, điều quan trọng là các chính phủ phải thúc đẩy tăng trưởng từ các hoạt động kinh doanh trong nước hơn là tìm cách tăng xuất khẩu và tăng đóng góp từ các khu vực bên ngoài.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)