Chiều 5/8/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Tuyên bố cũng cho biết Bộ trưởng Steven Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động phá giá đồng nội tệ.
Trả lời về việc này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc về điều này, việc gắn mác này không phù hợp với các tiêu chuẩn định lượng về “quốc gia thao túng tiền tệ” do chính Bộ Tài chính Mỹ đặt ra, là hành vi của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, phá hoại nghiêm trọng các quy tắc quốc tế, tạo ảnh hưởng lớn đến kinh tế, tài chính, sản xuất toàn cầu. Trung Quốc không có ý định và cũng sẽ không dùng tỷ giá hối đoái làm công cụ để đối phó với tranh chấp thương mại. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi được quản lý và điều tiết dựa trên cung-cầu thị trường và tham khảo giỏ tiền tệ, duy trì tỷ giá đồng NDT ổn định cơ bản trong mức hợp lý và cân cằng.
Đánh giá về khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ, Nhật báo Kinh tế Hồng Kông nhận định khả năng này là thấp, vì các lý do: (i) Trung Quốc và Mỹ đều không muốn phá vỡ cục diện hiện nay. Giới doanh nghiệp và giới kinh tế Mỹ đều cảnh báo sự leo thang của cuộc chiến thương mại có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái, điều này không có lợi cho cuộc tranh cử sắp tới của Tổng thống Trump. Về phía Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế trong quý II đã giảm xuống còn 6,2% nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc chạm đáy. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng cuộc chiến thương mại đã làm ngành sản xuất của Trung Quốc mất gần 2 triệu việc làm, nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục gia tăng sẽ làm cho nền kinh tế và vấn đề việc làm Trung Quốc phải chịu áp lực mà Bắc Kinh không muốn thấy; (ii) Nếu đồng NDT tiếp tục mất giá sẽ có thể gây ra làn sóng thoái vốn và tác động đến sự ổn định tài chính của Trung Quốc, điều này đã từng diễn ra vào năm 2015 khi Trung Quốc cải cách tỷ giá hối đoái. Mà sự ổn định về kinh tế và tài chính chính là điểm mấu chốt để Trung Quốc đọ sức với Mỹ; (iii) đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đồng đô la Mỹ chiếm 61,82% dự trữ ngoại hối chính thức của các nước trên thế giới trong quý I/ 2019, trong khi đồng NDT chỉ chiếm 1,95%, thể hiện sự mạnh yếu của hai đồng tiền.
Hơn nữa, xét về tính tổng thể, ổn định, và dẻo dai của hệ thống tài chính, Trung Quốc vẫn không thể bằng Mỹ.
(ĐSQVN tại Trung Quốc)