Biden nắm quyền, liệu quan hệ Trung-Mỹ có tốt hơn?

0
59
(Internet)
(Internet)

Vừa qua tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) đăng lại bài viết với tiêu đề “Biden nắm quyền, liệu quan hệ Trung-Mỹ có tốt hơn không?” của Liên hợp tảo báo (Singapore), nhận định không nên quá lạc quan và cũng không nên quá bi quan về tương lai quan hệ Trung-Mỹ. Nội dung chính của bài biết như sau:

Những biến đổi đầy bất ngờ của cuộc bầu cử Mỹ cuối cùng đã ngã ngũ, Joe Biden, 77 tuổi, sẽ bước vào Nhà Trắng vào đầu năm 2021. Biden nắm quyền, liệu quan hệ Trung-Mỹ, vốn đã rơi vào tình trạng tồi tệ trong hơn hai năm qua có được cải thiện hay không đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Trong bốn năm qua, Tổng thống Mỹ Trump với xuất thân là doanh nhân đã giương cao ngọn cờ “Nước Mỹ trên hết”, khiến các mối quan hệ quốc tế truyền thống, đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ bị xáo trộn. Kể từ năm 2018, quan hệ Trung-Mỹ có bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, căng thẳng giữa hai nước đã lan sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế và thương mại, công nghệ và văn hóa, thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và từng bước làm thay đổi cục diện quốc tế, cho dù ai là Tổng thống, Mỹ chắc chắn sẽ chọn cách chèn ép Trung Quốc để củng cố vị thế đứng đầu thế giới. Vì vậy, ngay cả khi Biden lên nắm quyền, quan hệ Trung – Mỹ cũng không thể trở lại như trước.

Quan điểm này không phải là không có lý. Tuy nhiên, cho rằng bất kỳ ai lên nắm quyền, quan hệ Trung-Mỹ sẽ không tốt lên hoặc thậm chí còn xấu đi, nghĩa là ám chỉ rằng Trung Quốc và Mỹ nhất định sẽ “không đội trời chung”, thậm chí sẽ có một cuộc chiến. Điều này dường như quá cường điệu, chưa chắc đã là kết quả tất yếu của quan hệ Trung-Mỹ. Cụ thể, quan điểm này chỉ nhấn mạnh những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ, bỏ qua việc Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung.

Là hai nền kinh tế lớn nhất và hội nhập sâu rộng trên thế giới, Trung Quốc và Mỹ, trong hiện tại cũng như tương lai sẽ không phải là kẻ thù sống còn của nhau. Trên thực tế, quan hệ hai nước đóng băng trong một thời gian dài không phải là điều tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ, cũng không có lợi cho cuộc chiến phòng chống dịch và khôi phục kinh tế toàn cầu. Sau khi nhậm chức, nếu Biden từng bước thay đổi hiện trạng “chỉ đối đầu, không hợp tác” giữa Trung Quốc và Mỹ, đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo vừa cạnh tranh vừa hợp tác, điều này không chỉ phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, mà còn phù hợp với lợi ích của Mỹ và đại đa số các quốc gia khác.

Đánh giá từ những tuyên bố gần đây, Biden và Trump có quan điểm khác nhau về Trung Quốc. Cuối tháng 10/2020, Biden nhắc lại với giới truyền thông rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, mà là một đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Điều này rõ ràng khác với quan điểm coi Trung Quốc là “đối thủ” và chèn ép toàn diện của chính quyền Donald Trump trong hai năm qua.

Tháng 7/2020, trong bài viết đăng trên Tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), Biden cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ở phương diện giá trị và trật tự quốc tế là không thể tránh khỏi, nhưng hợp tác trong quản trị toàn cầu và ứng phó với các vấn đề nóng cũng là điều không thể thiếu. Kể từ khi tham gia tranh cử, Biden đã nhiều lần tuyên bố không muốn giải quyết các tranh chấp kinh tế và thương mại Trung-Mỹ thông qua một cuộc chiến thương mại, thậm chí cho biết sẽ hủy bỏ mức thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Điều này cho thấy, theo quan điểm của Biden, ngay cả khi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt, hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để hợp tác. Mối quan hệ Trung-Mỹ vẫn là một kiểu quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác.

Đồng thời, Biden đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ. Ông đã có những trao đổi tương đối hòa hợp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ủng hộ việc thiết lập một cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù điều này không có nghĩa là Biden sẽ duy trì mối quan hệ hòa hợp với các quan chức cấp cao của Trung Quốc sau khi ông trở thành Tổng thống Mỹ, nhưng nhiều khả năng Biden sẽ nối lại liên lạc cần thiết giữa Trung Quốc và Mỹ, sẽ không có xu hướng phân tách hoàn toàn với Trung Quốc như chính quyền Trump.

Ngoài ra, trong số các quan chức quan trọng của chính phủ Mỹ hiện nay, Ngoại trưởng Pompeo và cố vấn thương mại Nhà Trắng Navarro đều là những người chống Trung Quốc nổi tiếng. Sau khi Biden vào Nhà Trắng, tình hình này được cho là sẽ thay đổi. Chủ trương thiết lập mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ trở thành nội dung chính trong chính sách ngoại giao của Biden.

Theo phân tích của giới truyền thông Mỹ, Susan Rice, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, có thể sẽ giữ chức Ngoại trưởng trong chính quyền Biden. Mặc dù Rice nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền, nhưng cũng nhận định rằng hai nước vẫn có những lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực bất chấp sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tăng.

Antony Blinken, người hiện là cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Biden, cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính quyền Biden. Blinken phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cho rằng “tách rời hoàn toàn với Trung Quốc là không thực tế và sẽ gây phản tác dụng”, nhận định Mỹ nên bảo vệ vai trò lãnh đạo của mình trong việc xây dựng các quy tắc và hệ thống quốc tế. Ngoài cạnh tranh, Trung Quốc và Mỹ cũng có thể hợp tác trên các phương diện biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và y tế toàn cầu.

Kurt Campbell, cựu Trợ lý ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, cũng có thể trở thành một thành viên quan trọng trong đội ngũ ngoại giao của chính quyền Biden. Campbell chủ trương Mỹ nên đặt trọng tâm vào Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng phải chấp nhận thực tế vị thế thống trị quân sự của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ rơi vào tay người khác trong tương lai; cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần thiết lập một cơ chế quản lý và kiểm soát khủng hoảng ở Biển Đông, giảm thiểu rủi ro đánh giá sai lầm; về vấn đề eo biển Đài Loan, Campbell cho rằng không đơn phương thay đổi hiện trạng có lẽ là chiến lược tốt nhất; đồng thời Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong các lĩnh vực như phòng chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Tất nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Biden sẽ phải đối mặt với hàng loạt rắc rối như hàn gắn sự chia rẽ trong nước, ứng phó với đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế… do đó, ngoại giao không phải là ưu tiên hàng đầu của Biden. Tuy nhiên, đối với quan hệ Trung-Mỹ hiện đã rơi vào trạng thái đóng băng, việc Biden lên nắm quyền ít nhất cũng là một bước ngoặt. Đối với tương lai quan hệ Trung-Mỹ, không nên quá lạc quan và cũng không nên quá bi quan.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here