Bí quyết để Hà Nam liên tục ở tốp 10 tỉnh dẫn đầu thu hút FDI

0
83
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Là một điểm sáng về thu hút FDI, Hà Nam có bí quyết riêng để có sức hấp dẫn và níu chân nhà đầu tư, đó là có “bộ lọc” chặt chẽ ngay từ đầu vào.

Hoạt động tại khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã hơn 10 năm nay, Công ty TNHH Ishigaki Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) vẫn đang tiếp tục mở rộng, chứng tỏ hiệu quả gia tăng không ngừng. Đây là đơn vị chuyên sản xuất các linh kiện từ cao su, silicon, nhựa, và các sản phẩm liên quan đến lắp ráp cao su, nhựa định hình…, đáp ứng các tiêu chuẩn “đầu vào” của Hà Nam về công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo giá trị gia tăng cao.

Ông Kurahashi Masahiro – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ishigaki Việt Nam chia sẻ, môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh Hà Nam rất ổn định, với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào.

Theo đánh giá của ông Kurahashi Masahiro, yếu tố quan trọng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất đó là chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh, các cam kết của Hà Nam đối với các nhà đầu tư. Một yếu tố quan trọng nữa là “bộ lọc” ngay từ đầu vào để lựa chọn đúng đối tượng phù hợp với chủ trương thu hút FDI của tỉnh.

Vị doanh nhân Nhật Bản này cũng cho biết, công ty Ishigaki Việt Nam sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư và mở rộng diện tích, quy mô hoạt động tại Hà Nam trong thời gian tới.

Tiếng lành đồn xa, doanh nghiệp FDI kéo nhau đến

Có thể nói, các doanh nghiệp FDI là một nhân tố quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của Hà Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 244 dự án FDI đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 90% các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng số vốn là 2,717 tỷ USD.

Các dự án lớn chủ yếu tập trung vào các ngành điện, điện tử, viễn thông. Một số dự án lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc có giá trị trên 300 triệu USD, chủ yếu các dự án đầu tư ở các khu công nghiệp.

Ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, từ khi mở cửa nền kinh tế, Hà Nam rất quan tâm thu hút  FDI vào tỉnh, trong đó có cam kết rất mạnh mẽ với doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi nhất để cung cấp dịch vụ hoàn hảo nhất, trong đó có cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đến tới tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, Hà Nam còn có các giải pháp đồng bộ, từ ngành thuế, hải quan, đến ngành điện, giáo dục và đào tạo… nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đến với Hà Nam.

“Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đã khó còn việc giữ chân doanh nghiệp còn khó hơn. Hà Nam quan niệm rằng không ai kêu gọi thu hút đầu tư tốt hơn là chính các doanh nghiệp đã đầu tư, làm ăn tại tỉnh, bởi chính các doanh nghiệp này sẽ có cái nhìn đúng đắn về chính sách thuận lợi của Hà Nam, về những cơ hội thuận lợi mà tỉnh Hà Nam tạo ra, từ đó họ có cái nhìn đúng đắn về cơ hội, sự tạo điều kiện của tỉnh Hà Nam, và nhận ra Hà Nam là điểm đáng đến để đầu tư và kinh doanh”, ông Trương Quốc Huy nhấn mạnh.

Chia sẻ về chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Oang – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho hay, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào công nghệ cao, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, các dự án dịch vụ phát triển công nghiệp, y tế, dân sinh… Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kiên quyết xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm 

việc thu hút các nhà đầu tư là rất quý nhưng điều quan trọng hơn là đảm bảo công tác môi trường. “Khi các nhà đầu tư đến chúng tôi rất quan tâm doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng quỹ đất ít. Chúng tôi cũng có đánh giá rất kỹ tác động môi trường của dự án đầu tư đối với cộng đồng dân cư. Ngoài ra, trong các khu công nghiệp, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề môi trường của dự án, xem doanh nghiệp sản xuất cái gì, phát thải ra môi trường ra sao, để có xử lý ngay từ ban đầu và kiên quyết xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm”, ông Trương Quốc Huy nói.

Nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đã mở đường, trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, thu hút đầu tư tăng trưởng nhanh, luôn nằm trong tốp 10 địa phương trên cả nước. Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thu hút đầu tư, tuy nhiên, Hà Nam vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn như: việc quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh tới các nhà đầu tư tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mũi nhọn của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam – Nguyễn Văn Oang, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khó khăn này là do nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ưu tiên công nghiệp chế biến, chế tạo

Ông Trần Xuân Dưỡng – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: “Chúng tôi xác định gắn liền với phát triển kinh tế là đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư ngoài năng lực tài chính mà phải lựa chọn các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là mũi nhọn trong thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2025”.

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam đã đưa ra 10 cam kết với nhà đầu tư gồm: cung cấp điện 24/24h; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đến chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục nhanh gọn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; giao đất không thu tiền để xây nhà cho công nhân; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; phục vụ hải quan nhanh gọn; đảm bảo an ninh trật tự, không đình – bãi công; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp.

Nguồn: Trần Ngọc-Hồng Quảng/VOV.VN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here