Báo Ukraine nói về tiềm năng hợp tác với Việt Nam và mong muốn mở rộng trên các lĩnh vực

0
167
Tham vấn giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ukraine giai đoạn 2018-2019, ngày 20/6 tại Hà Nội

Trang mạng Quà tặng của luật sư (Ukraine) cho biết, Văn phòng Tổng thống Ukraine đang chuẩn bị cho chuyến công du tới các nước châu Á của Tổng thống Volodymyr Zelensky, các quốc gia mà Ukraine muốn tăng cường hợp tác kinh tế.

Tham vấn giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ukraine giai đoạn 2018-2019, ngày 20/6 tại Hà Nội.

Theo tờ báo mạng này, Ukraine coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực. Thành công về kinh tế của Việt Nam, bao gồm việc thu hút thành công lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, khiến Việt Nam được xem như đối tác sinh lời tiềm năng.
Việt Nam vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Ukraine kể từ sau khi Ukraine độc lập và được Việt Nam công nhận ngày 27/12/1991. Vào thời điểm đó, Liên Xô đã có quan hệ ngoại giao ổn định với Việt Nam. Quan hệ ngoại giao Ukraine-Việt Nam được thiết lập ngày 23/1/1992.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine bắt đầu hoạt động từ năm 1993 và Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam khai trương năm 1997. Ukraine là một trong số ít quốc gia trên thế giới có cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Người Việt Nam cư trú từ thời Liên Xô, khi họ đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây theo chương trình của chính phủ. Cộng đồng người Việt lớn nhất ở Ukraine hiện nay sinh sống ở Kharkov, Odessa và Kiev. Hơn 4.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Ukraine. Trong khi đó, cộng đồng người Ukraine sinh sống tại Việt Nam có đăng ký với đại sứ quán chỉ gồm 120 người, nhưng con số không chính thức có thể lên tới gần 1.000 người.

Kinh nghiệm của Việt Nam có thể rất thú vị với Ukraine. Điều đáng nói là Việt Nam bắt đầu công cuộc cải cách từ mức rất thấp. Trước khi bắt đầu công cuộc “Đổi mới” ở Việt Nam năm 1986, lạm phát trong nước là 700%, nông nghiệp bị hủy hoại do nỗ lực tập thể hóa, đất nước không sản xuất được gì. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay đổi lãnh đạo cao nhất và khởi xướng quá trình có tên gọi chính thức là “đổi mới”, đưa đất nước bước vào thời kỳ hiện đại hóa. Các cải cách đã làm giảm sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào giá cả, sản xuất và ngoại thương.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực. Đó là sự ổn định về chính trị, phát triển nhanh, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định hữu nghị và hợp tác với nhiều đối tác được ký kết. Mô hình kinh tế của Việt Nam là hội nhập toàn cầu và phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Trong vòng 30-35 năm qua, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trung bình 5,5% mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc ở châu Á. Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn giống như Trung Quốc. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong thời kỳ đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam năm 2020 lên tới 340,6 tỷ USD, tăng 3,36% so với 329,5 tỷ USD của năm 2019. Kinh tế tăng trưởng chủ yếu nhờ chính sách phân cấp và mở cửa, trong đó tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, trước tiên là từ vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Các khoản đầu tư lớn đổ vào ngành dệt may và các ngành sử dụng nhiều lao động khác.

Kể từ khi chiến tranh kết thúc, quan hệ Việt-Mỹ đã thay đổi đáng kể. Năm 2020, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Việt Nam. Năm 2001, hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ có hiệu lực, sau đó kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng mạnh. Trung Quốc chi phối hoạt động ngoại thương của Việt Nam, nhưng không phải đầu tư. Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh công nghệ thông tin (IT) xuất hiện tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần thu hút các khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài.

Giữ vai trò quyết định đường lối của Việt Nam trên con đường đổi mới và xây dựng đất nước là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giờ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam có định hướng thị trường và rất thực dụng. Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay dễ dàng điều chỉnh các phương pháp tiếp cận và hướng đi linh hoạt. Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng cường đấu tranh chống tham nhũng.
Tháng 2/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử. Ông đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đảng, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, là một trong những người đầu tiên gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Volodymyr Zelensky vào năm 2019.

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV của Việt Nam đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ. Trên cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính có nhiều kinh nghiệm trong công tác hành chính-đảng. Ban lãnh đạo mới của Việt Nam hứa hẹn sẽ đảm bảo sự ổn định chính trị cần thiết cho quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, Việt Nam sẽ duy trì đường lối chính sách đối ngoại hiện nay, tuân thủ chiến lược đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các cường quốc và ủng hộ vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cử tri bày tỏ tin tưởng rằng ban lãnh đạo mới sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng chính sách phát triển kinh tế sâu rộng hơn nữa, góp phần phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tập trung khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, quan tâm phát triển văn hóa và nguồn nhân lực nhằm kích thích phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các bộ phận xã hội dễ bị tổn thương.

Quả thực, bất chấp những hạn chế về kiểm dịch năm 2020, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,36% nhờ sự điều hành khôn ngoan của chính phủ và niềm tin của công chúng vào ban lãnh đạo. Đánh giá về triển vọng phát triển nền kinh tế năm 2021 tại hội thảo về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, các đại biểu lưu ý, cần kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch trên cơ sở tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi kỹ thuật số. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 5,49%.

Ukraine và Việt Nam luôn tìm cách xây dựng quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là việc mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế. Hai nước nhất trí tiếp tục thực hiện hiệp định thành lập một khu vực thương mại tự do. Ngày 25/1 vừa qua đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban liên chính phủ Ukraine-Việt Nam về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Sự kiện này do Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế, thương mại và nông nghiệp, Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka và Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An đồng chủ trì.

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận việc cải thiện cơ cấu hàng hóa thương mại song phương, mở rộng phạm vi xuất nhập khẩu và các vấn đề hợp tác cùng có lợi khác. Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước có thể tiếp cận với các thị trường bán hàng mới và tăng cường trao đổi thương mại song phương. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác ở cấp đại diện cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn hóa lĩnh vực thuốc, chính sách pháp luật và thị trường chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế, thương mại và nông nghiệp Ukraine Taras Kachka, cho biết năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Ukraine và Việt Nam tăng 22,5%, đạt 644,65 triệu USD, đồng thời xuất khẩu của Ukraine sang Việt Nam tăng 92%, đạt 184,5 triệu USD; xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine tăng gần 7%, đạt 460,4 triệu USD. Thương mại giữa Ukraine và Việt Nam mang tính truyền thống. Tính trung bình trong 4 năm qua, tổng kim ngạch thương mại giữa Ukraine và Việt Nam đã tăng 31%, trong đó, xuất khẩu tăng 90% và nhập khẩu tăng 17%.

Theo Tổng cục Hải quan Ukraine, năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Ukraine và Việt Nam đạt 526,22 triệu USD, xuất khẩu đạt 95,66 triệu USD và nhập khẩu đạt 430,5 triệu USD. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại đạt 546,9 triệu USD, xuất khẩu đạt 132,3 triệu USD và nhập khẩu đạt 414,6 triệu USD. Trong năm 2017, kim ngạch thương mại đạt 490,3 triệu USD, xuất khẩu đạt 97,02 triệu USD và nhập khẩu đạt 393,3 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ukraine sang Việt Nam là ngũ cốc, quặng sỉ và tro. Đồng thời, việc hoàn tất giai đoạn để tiến tới ký kết các hiệp định liên ngành về thú y và kiểm dịch thực vật có thể giúp tăng xuất khẩu các sản phẩm động, thực vật sang Việt Nam. Một lượng lớn hàng nhập khẩu từ Việt Nam là điện tử và thiết bị cơ khí. Sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam đã tác động đến thị trường tiêu thụ. Dân số thành thị đã tăng 27% và chủ yếu là người tiêu dùng trẻ. Tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nhập khẩu.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here