Bảo lãnh thông quan: Kinh nghiệm quốc tế và lưu ý đối với doanh nghiệp XNK Việt Nam

0
111
Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.

Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.

Cam kết bảo lãnh là một hợp đồng ba bên trong đó một bên (bên được bảo lãnh) là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền xuất nhập khẩu hàng hóa cam kết với cơ quan hải quan (bên nhận bảo lãnh – bên thứ hai) về thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc về thủ tục hải quan theo quy định pháp luật (như nộp các khoản thuế, phí, thu khác, chậm nộp chứng từ về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. v.v ..) để được thông quan, giải phóng hoặc đưa hàng về bảo quản. Bên thứ ba (bên bảo lãnh là các doanh nghiệp tổ chức tín dụng/công ty bảo hiểm) đứng ra cam kết thực hiện các nghĩa vụ của chủ hàng hóa XNK với cơ quan hải quan hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành nếu chủ hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thủ tục hải quan, về thuế hoặc chính sách quản lý chuyên ngành.

Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.

Để các chứng từ thủ tục bảo lãnh được cơ quan hải quan chấp nhận, bên bảo lãnh (công ty bảo hiểm/tổ chức tín dụng) phải đáp ứng các điều kiện tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định theo quy định về bảo hiểm tài chính và được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính) cấp quyền phát hành chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (cơ quan hải quan).

Kinh nghiệm quốc tế

Qua nghiên cứu cho thấy, kinh nghiệm triển khai của Hệ thống bảo lãnh thông quan đã phát triển qua rất nhiều thập kỷ. Sơ nguyên ban đầu được được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ nộp các khoản thuế phí của nhà nhập khẩu – cho đến nay chức năng này vẫn được tiếp tục.

Ngày nay, tại một số quốc gia như Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại XNK, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt như kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công. Bảo lãnh thông quan còn được áp dụng với các hãng vận tải quốc tế tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa.

Ngày càng nhiều quốc gia công nhận bảo lãnh thông quan là một biện pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả và giải pháp này từ lâu đã được đưa vào các hiệp định thương mại quốc tế với các tên gọi khác nhau như “cam kết bảo lãnh” (Surety) hay “công cụ đảm bảo” (security instruments) hay “một đảm bảo” (guarantee). Đây không phải là tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu nên có thể áp dụng theo nhiều hình thức và cách tiếp cận khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống pháp lý của mỗi nước và quyết định của các cơ quan quản lý.

Các quốc gia đang phát triển thường đưa ra rất nhiều loại bảo lãnh khác nhau dùng cho nhiều mục đích chi tiết khác nhau. Trong khi các quốc gia phát triển đã đi qua giai đoạn này và phát triển bảo lãnh thông quan ở mức tinh gọn hơn nhưng lại bao bao quát hơn ở nhiều lĩnh vực.

Ví dụ như: Tại Canada, từ năm 1867, người ta đã sử dụng bảo lãnh thuế quan như là một công cụ để kiểm soát ngăn chặn buôn lậu và đảm bảo tính tuân thủ của các đối tượng tham gia. Các loại hình của bảo lãnh thông quan đều được Chính phủ Canada quy định rõ ràng trong pháp luật hải quan. Một số loại hình bảo lãnh thông quan phổ biến được áp dụng tại Canada như: bảo lãnh trong quá trình vận chuyển, bảo lãnh ở kho ngoại quan, bảo lãnh giấy phép hoạt động của đại lý hải quan, bảo lãnh giải phóng hàng hóa, bảo lãnh hàng tạm nhập…

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống An toàn Sản phẩm từ năm 2012 với mục tiêu khắc phục tất cả những bất cập làm cản trở thông thương trong việc cấp giấy phép trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến các vấn đề sức khỏe, an ninh, môi trường…

Hàn Quốc cũng có bảo lãnh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên chỉ triển khai bảo lãnh để đảm bảo thanh toán thuế, phí và không yêu cầu bảo lãnh trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác. Bảo lãnh thuế của Hàn Quốc được sử dụng để chống lại thất thu thuế trong trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán, nhất là đối với trường hợp áp dụng chế độ hoãn nộp thuế (thuế nội địa, thuế hải quan…). Trong đó, với thuế nội địa, thời hạn bảo lãnh sẽ là thời hạn yêu cầu thanh toán của cơ quan thuế + 30 ngày và số tiền bảo lãnh phải lớn hơn 110% số tiền mà cơ quan thuế yêu cầu; với hải quan, số tiền bảo lãnh sẽ lớn hơn số tiền được cơ quan hải quan yêu cầu và thời hạn bảo lãnh là 15 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông quan.

Ở Thái Lan, bảo lãnh thông quan chỉ là một chứng thư bảo lãnh ngân hàng có tên gọi là Hợp đồng đảm bảo (Guarantee Contract) chỉ dùng để đảm bảo thanh toán thuế và phí.

Kenya – một quốc gia Châu Phi kém phát triển cũng đã có một hệ thống bảo lãnh thông quan khá hoàn thiện với nhiều loại bảo lãnh khác nhau, dùng cho nhiều mục đích khác nhau, như: Bảo lãnh chuyển tải, Bảo lãnh kho bãi, bảo lãnh Khu chế xuất, bảo lãnh hoạt động sản xuất, bảo lãnh tạm nhập,…

Đặc biệt, Hoa Kỳ qua gần 80 năm phát triển, Hệ thống bảo lãnh thông quan đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và cho tới ngày nay được xem là hệ thống tiên tiến nhất. Bảo lãnh thông quan của Hoa Kỳ không chỉ bảo lãnh về thuế phí mà còn bảo lãnh tất cả các nghĩa vụ chuyên ngành khác liên quan áp dụng trên lô hàng. Ở đó, tất cả các lô hàng nhập khẩu thương mại có trị giá từ 2.500$ trở lên đều phải nhập khẩu dưới một bảo lãnh thông quan hoặc một hình thức đảm bảo phù hợp khác. Nhìn chung, với mức này, hầu như mọi lô hàng nhập khẩu thương mại vào Hoa Kỳ đều phải có bảo lãnh thông quan.

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) yêu cầu bảo lãnh để đảm bảo rằng nhà nhập khẩu hoặc bất kỳ bên liên quan nào trong lĩnh vực nhập khẩu sẽ tuân thủ mọi quy định của Hải quan cũng như của các cơ quan khác. Bảo lãnh phục vụ như một công cụ bảo vệ thực thi của các cơ quan chức năng, bảo đảm cả việc nộp thuế phí và tuân thủ với luật định liên quan.

Bảo lãnh thông quan sẽ đảm bảo cho tất cả các nghĩa vụ của nhà nhập khẩu xuyên suốt toàn bộ quá trình nhập khẩu hàng hoá, bao gồm cả hoạt động kiểm tra sau thông quan và các thanh kiểm tra khác để xác định tính chính xác của mã HS hay tính phù hợp của giấy chứng nhận xuất xứ – là những yếu tố có thể dẫn đến mức thuế tăng thêm. Ngay cả trong trường hợp nếu nhà nhập khẩu biến mất hoặc mất khả năng thanh toán cho CBP, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán theo bảo lãnh. Nghĩa vụ chấm dứt khi CBP thanh lý tờ khai nhập khẩu.

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc bảo lãnh thông quan chỉ được sử dụng trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp (bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất) hoặc tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

Như vậy, về phạm vi bảo lãnh ở Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước, mới chỉ áp dụng trong việc bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền phạt và chỉ có các ngân hàng thương mại được đứng ra bảo lãnh; việc áp dụng mô hình bảo lãnh tương tự như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,… sẽ đáp ứng các yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hoá thủ tục, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải phóng hàng hoá, đồng thời nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thương mại, hạn chế rủi ro cho cơ quan quản lý, tránh thất thu ngân sách.

Để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các Bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 03 giai đoạn:

Thí điểm (dự kiến 02 năm 2021-2022)

Trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm, sẽ lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng và thí điểm áp dụng đối với một số loại hình mới, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh, như: bảo lãnh nộp thuế (hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản.

 Mở rộng (2022-2023):

Việc triển khai mở rộng các loại hình có thể được áp dụng ngay trong giai đoạn thí điểm hoặc sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động trong giai đoạn thí điểm, việc mở rộng thí điểm dự kiến áp dụng bảo lãnh thông quan đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác (như: tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình,…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các Bộ, ngành đối với một số mặt hàng, lĩnh vực; bảo lãnh trong các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (chờ tham vấn giá, chờ xác định mã số, thuế suất; chờ kết quả giám định chất lượng, chủng loại,…).

Chính thức (dự kiến từ 2024)

Trên cơ sở tổ chức đánh giá tình hình triển khai thí điểm trong 02 giai đoạn nêu trên, Nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý (Luật, Nghị định, Thông tư và các quy trình nghiệp vụ) và Hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức Hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và các trường hợp hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất thuộc diện miễn áp dụng các chính sách quản lý tại khâu nhập khẩu, nhưng phải quản lý sau khi sản xuất thành sản phẩm và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, cũng như các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác.

Tuy nhiên, để có thể triển khai được cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản Luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện, như:

Sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan theo hướng: cho phép áp dụng bảo lãnh để cho phép doanh nghiệp đưa hàng về bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chờ cơ quan quản lý cấp giấy phép nhập khẩu; ngoài các tổ chức tín dụng, cho phép các tổ chức bảo hiểm tham gia việc bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thực hiện thông quan, giải phóng hàng.

Đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng cần bổ sung các điều kiện để hàng hóa thuộc các đối tượng không chịu thuế, miễn thuế (hàng hóa quá cảnh, gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, hàng hóa tạm nhập tái xuất,…) cũng phải có bảo lãnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan có thể làm phát sinh các quy định về điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được tham gia hoạt động bảo lãnh thông quan và phát sinh một số chứng từ trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan; Đối với chủ hàng có thể phát sinh một số chi phí liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo lãnh thông quan với tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here