Tài chính toàn diện (TCTD) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện, tăng cường cơ hội tiếp cận hiệu quả các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thống cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương trong độ tuổi lao động.
Do vậy, TCTD được coi là trụ cột quan trọng nhằm trực tiếp và gián tiếp góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, thu hẹp và đẩy lùi tín dụng đen, thúc đẩy luân chuyển dòng vốn tiết kiệm và đầu tư, tạo cơ hội việc làm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh và trật tự xã hội, cải thiện đời sống và phúc lợi xã hội ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các chương trình nghị sự về tài chính toàn diện
Theo Liên hợp quốc, trên thế giới hiện đã có 55 nước đưa ra cam kết về thực thi TCTD, hơn 30 nước ban hành hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, với mục tiêu bảo đảm tất cả các hộ gia đình được tiếp cận ở mức chi phí hợp lý các dịch vụ tiết kiệm, gửi tiền, thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm. Các tổ chức kinh doanh TCTD hoạt động an toàn và hiệu quả, được quản lý bởi hành lang pháp lý và những tiêu chuẩn hoạt động ngành rõ ràng; đảm bảo tính liên tục và chắc chắn của hoạt động đầu tư; cạnh tranh giúp mở rộng sự lựa chọn và đáp ứng khả năng chi trả…
Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra tầm nhìn cho Chương trình tăng cường cơ hội tiếp cận Tài chính toàn cầu tới năm 2020, tập trung vào 25 quốc gia ưu tiên (trong đó có Việt Nam) nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống cho cá nhân, thông qua tăng số lượng tài khoản giao dịch để tăng tỷ lệ gửi tiền và giao dịch qua tài khoản ngân hàng dựa trên 3 nền tăng chính – cam kết chính trị, môi trường pháp luật – thể chế và hạ tầng thanh toán/công nghệ thông tin và truyền thông. Các nhà lãnh đạo G20 từ tháng 6/2010 đã đưa ra 9 nguyên tắc cho tài chính toàn diện và đây cũng là những trọng tâm của kế hoạch hành động Nhóm G20. Tại khu vực ASEAN, các quốc gia thành viên cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột của Tầm nhìn ASEAN 2025 về hội nhập tài chính và đã thành lập Nhóm công tác về tài chính bao trùm để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực…
Tại các hội nghị APEC được tổ chức hàng năm, tài chính toàn diện được nhiều nước chủ nhà APEC quan tâm và ưu tiên, nhất là từ khi được đưa vào là một trong những trụ cột trong hợp tác tài chính APEC (năm 2010); Theo đó, các nền kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và thực thi có hiệu quả một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện phù hợp cho riêng mình, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 vừa qua, tài chính toàn diện là một trong 4 nội dung hợp tác ưu tiên. Chủ đề được tập trung thảo luận là về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện lần thứ 7 cũng đã tập trung vào việc định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhiều nội dung liên quan đến tài chính toàn diện đã đưa ra thảo luận như: Việc xác định đúng đắn phạm trù tài chính toàn diện; Thực trạng triển khai các ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực này; Giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiệu quả nhận thức của người dân trong tiết kiệm và đầu tư; Phát triển bảo hiểm vi mô… qua đó thúc đẩy một nền tài chính toàn diện năng động, bền vững trong các nền kinh tế thành viên APEC.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ TCTD như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 5/9/2016, NHNN có nhiệm vụ xây dựng Dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và DN, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DNNVV có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý trên cơ sở phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra, NHNN – cơ quan được Chính phủ giao chủ trì điều phối tài chính toàn diện tại Việt Nam và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC triển khai các nội dung hợp tác, trong đó có nội dung về giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. NHNN cũng tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về tài chính toàn diện của Quỹ Đầu tư phát triển Liên hợp quốc; Tiến hành thủ tục tham gia Liên minh tài chính toàn diện; Triển khai các chương trình, dự án về tài chính toàn diện của WB/Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về tài chính toàn diện, đồng thời tích cực hoàn thiện lộ trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện…
Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch của ngành triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các DN Fintech ở Việt Nam ra đời và phát triển.
So với các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá có một số lợi thế nhất định trong triển khai TCTD như nền tảng công nghệ thông tin (đặc biệt là tỷ lệ người dùng internet và thiết bị thông minh tăng nhanh), độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế…Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cụ thể: Nhận thức chung của xã hội về tài chính toàn diện chưa đầy đủ; Chưa có cơ chế đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện về tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan; Cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính còn thiếu, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện; Cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu và chưa được kết nối đồng bộ; Nền tảng đảm bảo an ninh mạng…
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các rào cản như: Tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; Sự chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền; Mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân; Văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính chính thức…
Tại Việt Nam, trên 1/3 số người trưởng thành, chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị, có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức, thấp so với mức trên dưới 80% ở các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, với hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất hạn chế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân, một số ngân hàng thương mại nhà nước còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%.
Mở rộng tài chính toàn diện là kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu tín dụng chính đáng và có thực của người dân; Đặc biệt, cần mở rộng của các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý. Những nỗ lực đáng khích lệ theo hướng đó là chủ trương Agribank sẽ giành 5000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng và Ngân hàng Chính sách từ ngày 1/3/2019 nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng chính sách xã hội.
Chính phủ cần có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia đối với phát triển thị trường; Ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu; Có chính sách đầu tư vốn, công nghệ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống pháp lý quy định số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu; Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Với vai trò đầu mối, NHNN cần tiếp tục tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các đối tác phát triển như WB, ADB, UN nhằm huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để triển khai tài chính toàn diện thành công tại Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại cũng cần nhanh chóng tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính số, như các ứng dụng di động, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; Chủ động đầu tư vốn, nâng cấp hạ tầng công nghệ của ngân hàng tương thích với nền tảng tài chính số, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp; Nghiên cứu hợp tác với các tổ chức tài chính/phi tài chính xây dựng hệ thống ngân hàng đại lý nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
TS. Nguyễn Minh Phong