Trên mục “Tiêu điểm châu Á” của tờ Bangkok Post, tác giả Tanyatorn Tongwaranan nhận xét, những ngày này, mọi con mắt đổ vào Việt Nam – một nền kinh tế đang phát triển đông dân, với lực lượng lao động trẻ và dồi dào, khu vực chế tạo vững chắc, hệ thống chính trị ổn định, lạm phát thấp, đồng tiền ổn định và những dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào đều đặn.
Vô số cơ hội chờ các nhà đầu tư
Trong bài viết, tác giả dẫn lời các chuyên gia của hãng tư vấn kinh doanh Ipsos nói có vô số cơ hội đang chờ đợi các nhà đầu tư, những người am hiểu động lực kinh tế và xã hội khi làm việc tại đất nước có 96 triệu dân này.
GDP của Việt Nam tăng trưởng 7% năm ngoái, mức cao nhất trong 10 năm qua, 6,6% trong năm nay, và với mức trung bình 6,3% hàng năm cho tới năm 2023.
Giám đốc phụ trách quốc gia của Ipsos Quách Phong nói: “Việt Nam là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với sự chú trọng chuyển đổi sang các khu vực chế tạo và dịch vụ. Đất nước này đang trong giai đoạn chuyển tiếp với nhiều cơ sở hạ tầng được thiết lập và có tiềm năng to lớn để nắm bắt ngay từ đầu”.
Chất lượng sống và thu nhập trung bình đã cải thiện về căn bản, phản ánh sự chuyển đổi của đất nước từ một nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dựa vào thị trường từ năm 1986.
Ông Quách nói: “Kể từ năm 2014, trung bình có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập giới trung lưu toàn cầu mỗi năm. Những sáng kiến chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang biến đổi Việt Nam thành một quốc gia thặng dư thương mại kể từ năm 2014”.
Năm 2018, Việt Nam thu hút 17 tỷ USD từ những cam kết FDI, dẫn đầu là các doanh nghiệp chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp và du lịch.
Việt Nam có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 66 Hiệp ước thương mại tự do quốc tế, đã giúp nước này hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, mang lại những cơ hội cho cả khu vực tư nhân lẫn các doanh nghiệp nước ngoài.
Sự tiếp cận ngày càng tăng với các thị trường quốc tế cũng biến Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại quốc đang tìm cách phân phối sản phẩm ở nước ngoài.
Đầu năm nay, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận của 11 nước bao gồm cả Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Các thành viên của CPTTP có tổng số 495 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Việt Nam cũng hưởng lợi từ thương mại tự do trong ASEAN và từ những thỏa thuận song phương với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Bí quyết chinh phục thị trường Việt Nam
Theo Ipsos, mỗi khu vực của Việt Nam cũng mang lại những cơ hội độc đáo cho nhiều ngành công nghiệp vì quản lý đã được phân cấp với một mức độ đáng kể. Ông Quách nói: “Chính quyền tỉnh có thể áp dụng những chương trình khác nhau cho các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa là mỗi tỉnh có thể có mức độ tự diễn giải và tự do làm ăn với các doanh nghiệp của riêng họ”.
Còn chuyên gia phụ trách khách hàng thuộc Ipsos Thái Lan – Ann Suwanjindar cho biết về phía tiêu dùng, có những tính cách nhất định có thể khái quát hóa ở Việt Nam, như là hệ thống có tôn ti trật tự và các giá trị gia đình. Bà Ann Suwanjindar nói: “Xã hội Việt Nam có một hệ thống giá trị mạnh mẽ thực sự chi phối cách người dân cư xử trong xã hội như thế nào. Người dân yêu nước và ngày càng có giáo dục. Họ cần cù và tham vọng vì họ thường xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp và đang phấn đấu có cuộc sống tốt hơn trong tương lai”.
Bà Ann Suwanjindar cho rằng Việt Nam nói chung vẫn có sự tôn ti trật tự cao, người trẻ được mong đợi biết nghe lời và tôn trọng người lớn tuổi. Con cái được chăm sóc và dạy dỗ để biết chứng tỏ sự biết ơn vì công sinh thành và dưỡng dục.
Theo bà Ann Suwanjindar, người dân Việt Nam thân thiện và dễ gần. Sự chấp nhận xã hội rất quan trọng và họ rất quan tâm đến vị trí và vẻ bên ngoài. Người trẻ ở những vùng đô thị có xu hướng cởi mở hơn và sẵn sàng thử nghiệm cái mới, trong khi người già ở nông thôn kín đáo và dè dặt hơn.
Tuy nhiên, văn hóa, lối sống và ẩm thực của người miền Bắc và người miền Nam vẫn rất khác nhau mặc dù đất nước đã thống nhất kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975.
Bà Ann Suwanjindar nói: “Miền Nam được nhìn nhận như là bệ phóng cho Việt Nam vì người tiêu dùng cởi mở hơn với sự thay đổi và sẵn sàng thử cái mới. Họ cởi mở hơn và ít trung thành với nhãn hàng. Họ sẽ tìm công nghệ mới và trải nghiệm những tiến triển mới và cách sống mới”. Đặc biệt, giới trẻ rất thích sử dụng mạng xã hội như là một cách bày tỏ cá nhân và bản sắc của họ. Tuy nhiên, trong khi ở miền Bắc dễ dàng hơn để nắm bắt tâm lý khách hàng vì mức độ chấp nhận, người miền Bắc có sức chi tiêu ẩn và có xu hướng trung thành hơn”.
Việc sử dụng Internet ở Việt Nam đã cải thiện đáng kể và người dân tích cực hơn trong việc sử dụng mạng xã hội với sự thâm nhập của điện thoại thông minh ở mức độ cao. Đất nước này có trên 70 triệu người sử dụng điện thoại di động và 55 triệu người sử dụng mạng xã hội.
Do đó, Internet đã trở thành kênh được kỳ vọng để quảng bá sản phẩm và dịch vụ. Việc sử dụng “lời truyền miệng” và những người dẫn dắt ý kiến chủ chốt đã chứng tỏ thành công đối với rất nhiều chiến dịch quảng bá.
Bà Ann Suwanjindar nói: “Các kênh đại chúng rất đắt đỏ đối với những mặt hàng tiêu dùng nhanh. Việc sử dụng kỹ thuật số với những chiến dịch có mục đích cao và những phân khúc thích hợp đã cho thấy hiệu quả và rất nhiều chiến dịch đã lan truyền rộng rãi. Đây là một kênh thực sự hữu ích và tiết kiệm chi phí ở Việt Nam”.
Ngoài ra, những lời kêu gọi mang tính cảm xúc, chứ không phải là việc định vị chức năng, cũng hữu hiệu hơn vì người Việt Nam ham tìm hiểu và ít phân biệt đối xử hơn. Do đó, việc xây dựng thương hiệu mang tính cảm xúc có thể chạm tới trái tim và giúp phân biệt một nhãn hàng với những đối thủ cạnh tranh.
Hằng Thu (theo Bangkok Post)