ASEAN: Tin tưởng RCEP nhưng không quên tăng cường AEC

0
74
Quang cảnh Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26. Ảnh: TTXVN

Theo nhận định đăng trên The Straits Times (Singapore), bên cạnh việc thúc đẩy một thỏa thuận thương mại khu vực lớn hơn, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể làm nhiều hơn nữa để xóa bỏ những rào cản đang kìm hãm tiềm năng của thị trường chung gồm 10 nước thành viên này.

Hàng năm, Ban thư ký ASEAN tổ chức một diễn đàn trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa năm của ASEAN nhằm tạo cơ hội cho các nhà báo được lựa chọn tương tác với các quan chức chủ chốt của khu vực, tiêu biểu là các quan chức nước chủ nhà của năm đó. Năm nay, các phóng viên tập trung ở Thái Lan, nước chủ nhà các hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2019.

Các sự kiện nổi bật thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, có thể kể đến như bất đồng thương mại Mỹ-Trung và Nhật-Hàn. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi bày tỏ lạc quan rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà ASEAN thúc đẩy có thể được hoàn tất vào thời điểm các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung cho cuộc họp thượng đỉnh hàng năm vào tháng 11 tới đây.

Các cuộc đàm phán của RCEP đã được khởi xướng vào tháng 11/2012. Đây là một thỏa thuận thương mại bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

RCEP có tiềm năng là khối thương mại lớn nhất thế giới, với thị trường khoảng 3,6 tỷ người và chiếm 1/3 GDP của thế giới. Mặc dù điểm khởi đầu rất tích cực, nhưng tiến bộ đạt được trong đàm phán thì thất thường và chậm chạp.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến những lo ngại của Ấn Độ về việc nước này bị tràn ngập bởi hàng hóa Trung Quốc mà New Dehli không được quyền tiếp cận mang tính tương hỗ đối với các dịch vụ xuất khẩu mà người khổng lồ Nam Á này có khả năng cạnh tranh hơn, thì một số nước khác, trong đó có Indonesia và Trung Quốc, cũng có những vấn đề riêng của họ.

Tháng 11/2018, các bộ trưởng của RCEP đã không thực hiện được cam kết ban đầu là kết thúc đàm phán vào cuối năm 2018 và đẩy thời hạn chót lùi lại một năm.

Trong những tháng gần đây, các nhà đàm phán RCEP đã và đang gặp gỡ với nhịp độ dày đặc.

Đề cập đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản thúc đẩy sau khi Mỹ đột ngột rút khỏi TPP trong ngày đầu tiên Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông Lim phát biểu: “CPTPP mất 7 năm để hoàn tất và chúng tôi không mong muốn vượt qua được khuôn khổ thời gian đó”.

Ngoài việc thể hiện lòng tin về khả năng hoàn tất đàm phán vào cuối năm, ông Lim Jock Hoi cũng cho biết: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ ai bị thiệt thòi. Chúng tôi muốn tất cả mọi người cùng tham gia, và đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc hướng tới một ‘vùng hạ cánh’. Đương nhiên, chúng tôi phải điều chỉnh cho phù hợp với những khó khăn của mỗi nước thành viên”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích trong khu vực nghi ngờ liệu từ nay đến tháng 11, các cuộc đàm phán có thể đi đến một thỏa thuận thực chất hay không, do có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là về các nước liên quan và những khác biệt trong ưu tiên phát triển của họ.

Một số nước khác cần theo kịp tốc độ với các nước khác. Trong khi đó, vấn đề đáng lưu ý là khi quá nhiều sự lôi kéo và sức ép phải được giải quyết, thì sự giảm bớt tham vọng là điều không thể tránh khỏi.

Đây là lý do giải thích tại sao, ngay cả khi thúc đẩy RCEP, ASEAN cần nhận thức rằng cơ hội chính của khu vực thực sự nằm ở Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để có thể hiện thực hóa tầm nhìn của tổ chức này về một thị trường chung và cơ sở sản xuất cho khu vực.

Các dòng thương mại và đầu tư vào ASEAN, cả từ bên trong và bên ngoài khu vực, vẫn tăng trưởng tốt. Do các dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc vì rủi ro chính trị, một ASEAN ổn định có thể thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn.

Dù vậy, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Suthad Setboonsarng, nhà kinh tế thuộc ban quản trị Ngân hàng trung ương Thái Lan, một số nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, đang nhận được xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc.

Một số thương hiệu máy giặt đã chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan, và một vài nhà sản xuất sản phẩm điện đã chuyển sang Malaysia. Những lợi ích, nếu có, chỉ là tạm thời khi đồng Nhân dân tệ đang mất giá và khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.

Điều quan trọng hơn đối với ASEAN là cần đặc biệt chú ý cải thiện sức hấp dẫn đầu tư của mình, đặc biệt trong việc loại bỏ những biện pháp phi thuế quan và hàng rào phi thuế quan mà chính phủ các nước đôi khi dựng lên để không thực hiện cam kết của họ đối với mở cửa thương mại.

Các chuyên gia cho rằng hàng rào phi thuế quan bên trong ASEAN, hiện ước tính khoảng 6.000 biện pháp, đang tiếp tục tăng lên.

Dường như không phải tất cả các nước trong khu vực đều nhận thấy tầm quan trọng của AEC.

Các chuyên gia thương mại lo ngại rằng với việc các nhà đàm phán quá tập trung vào RCEP, với việc cứ 3 đến 4 tuần lại tổ chức một cuộc gặp, các bộ trưởng thương mại trên toàn khu vực không còn đủ thời gian để duy trì các cuộc thảo luận về AEC đang diễn ra cùng với một lộ trình song song.

Mỗi vòng đàm phán về RCEP thường bắt đầu bằng một cuộc họp kín của ASEAN và sau đó 10 nước gặp gỡ 6 nước đối tác của họ vào ngày hôm sau. Không giống như trong các cuộc thảo luận kỹ lưỡng của ASEAN, nơi người ta có thể kéo dài việc đưa ra một quyết định, người ta cần đưa ra những quyết định chắc chắn trong các cuộc đàm phán về RCEP.

Điều này có nghĩa là các nhà đàm phán ASEAN phải đưa ra rất nhiều quyết định ở cấp độ nhóm. Theo ý nghĩa đó, các cuộc đàm phán về RCEP mang tính bổ sung và cũng mang lại lợi ích cho dự án AEC của ASEAN.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi hi vọng đến cuối năm có thể thực hiện được chính sách Một cửa ASEAN để kết nối tất cả các nước ASEAN và cắt giảm thời gian hàng hóa phải chờ đợi ở các khu vực biên giới từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Một cách riêng rẽ, hiệp định về thương mại điện tử có thể được triển khai trong năm nay.

Chắc chắn những kế hoạch này có ý nghĩa tích cực đối với dự án AEC. Trong khi kinh nghiệm của châu Âu cho thấy việc ép buộc tăng tốc độ hội nhập có thể dẫn đến những kết quả tồi, không thể phủ nhận rằng chìa khóa của thịnh vượng trong tương lai nằm ở triển vọng hội nhập khu vực./.

Nguồn: TTXVN tại Singapore 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here