ANZ: Kinh tế Việt Nam đầy triển vọng nhưng cần được theo dõi chặt chẽ

0
99
Theo ANZ Research, thực tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay thậm chí còn lớn hơn dự kiến, ở mức 7,1%.
Theo ANZ Research, thực tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay thậm chí còn lớn hơn dự kiến, ở mức 7,1%.

Trang mạng bluenotes.anz.com mới đây đăng bài phân tích của Chuyên gia trưởng ANZ Research Khoon Goh, thuộc Cơ quan nghiên cứu châu Á củaTập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) nhận định, dù kinh tế Việt Nam đầy triển vọng, điều quan trọng là phải quản lý đà tăng trưởng đang mạnh và tránh tình trạng phát triển mất cân đối để đảm bảo tính bền vững của đà tăng trưởng này.

Năm 2018 và 2019 tăng trưởng duy trì ở mức 6,8%

Theo ANZ, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 6,5% mỗi năm trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt tăng trưởng mạnh trong năm 2017, ở mức 6,8% và ANZ Research dự báo mức tăng trưởng này sẽ được duy trì trong năm 2018 và 2019.

Theo ANZ Research, thực tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay thậm chí còn lớn hơn dự kiến, ở mức 7,1%. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì nhờ lĩnh vực công nghiệp nhộn nhịp và các cơ sở sản xuất liên tục được mở rộng dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các nước trong khu vực bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung mà ví dụ rõ nhất là các đơn hàng xuất khẩu cũng như chỉ số quản lý thu mua của ngành sản xuất (PMI) đã bị cắt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam dường như nằm ngoài xu hướng của khu vực.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam vẫn vững chắc và thậm chí còn giành được các đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Nhìn chung, thương mại toàn cầu đang gặp thách thức vì chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam có thể bị tác động ít hơn.

Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng trị giá 14 tỷ USD trong năm 2017 – tăng 12% so với năm 2016. ANZ Research hy vọng xu hướng này sẽ được duy trì, vì Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.

Việt Nam là bên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và hiện đang đàm phán tham gia Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Việc ký kết và thực hiện thành công tất cả các thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn FDI, cũng như thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.

Những điểm cần lưu ý

Dù vậy, để đảm bảo triển vọng phát triển này, theo các chuyên gia ANZ, Việt Nam cần nhiều lưu ý.

Tháng 2/2011, để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã để tiền đồng bị mất giá 8,5%. Lạm phát đang ở mức hai con số, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 30% so với cùng kỳ năm trước và thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 11% GDP một vài năm trước đây.

Tình hình hiện tại rất khác. Mặc dù lạm phát hiện là 4,5% – cao hơn mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (4%), nhưng con số này dự kiến sẽ ở mức vừa phải vào cuối năm nay. Trong khi cán cân thương mại của Việt Nam dao động giữa thặng dư và thâm hụt, nguyên nhân chính của thâm hụt là nhập khẩu nhiều thiết bị sản xuất để xây dựng các nhà máy sản xuất mới. Một khi những nhà máy này được xây dựng xong, nhập khẩu sẽ giảm và xuất khẩu sẽ tăng lên vì các nhà máy mới đã mở rộng sản xuất.

Việt Nam có thể sẽ duy trì thặng dư tài khoản vãng lai, vì phần lớn FDI mà Việt Nam thu hút đều nằm trong khu vực sản xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Tín dụng được gia tăng ở mức dễ quản lý hơn, nhưng vẫn cần phải đảm bảo là tín dụng ngân hàng cho khu vực kinh tế tư nhân tính theo tỷ lệ GDP – hiện tại là 132% – không tăng quá cao. Để hướng tới quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn, ngoài việc khống chế lạm phát và đối phó với tăng tín dụng quá mức, một động thái quan trọng nữa là cho phép tiền đồng linh hoạt hơn.

Vào đầu năm 2016, Việt Nam đã thay đổi chế độ tỷ giá hối đoái. Trước đây, tỷ giá được cố định với USD, nhưng thường xuyên phải đối phó với tình trạng VNĐ bị mất giá. Việc cho phép VNĐ điều chỉnh sẽ giúp Việt Nam có thể nắm bắt những thay đổi trong môi trường kinh tế toàn cầu và việc điều chỉnh VNĐ nhanh hơn cũng giúp Việt Nam duy trì được khả năng cạnh tranh cân xứng.

Nếu muốn nỗ lực hơn nữa để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, điều rất quan trọng là các doanh nghiệp tư nhân trong nước cần hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam. Tăng cường kiến thức xử lý dòng chảy FDI vào các doanh nghiệp trong nước, bao gồm phát triển kỹ năng quản lý để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ – từ việc cung cấp đầu vào trung gian đến tham gia xuất khẩu trực tiếp, sẽ giúp đưa nền kinh tế của Việt Nam lên tầm cao mới.

Chu Văn (theo bluenotes.anz.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here