Mới đây, tờ Times of India dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu và thông tin các nước đang phát triển” (RIS) thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết 327 “mặt hàng nhạy cảm” nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm điện thoại thông minh, thiết bị viễn thông, điều hòa không khí, máy ảnh và tấm pin năng lượng mặt trời. v.v… có thể tìm được nguồn cung thay thế hoặc có thể sản xuất tại Ấn Độ.
Theo Báo cáo trên, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thị phần trên 10% hoặc có giá trị trên 50 triệu USD được coi là “hàng nhạy cảm”. Trong tổng số gần 4.000 mặt hàng Ấn Độ phải nhập khẩu từ Trung Quốc có tới 327 mặt hàng thuộc diện hàng nhạy cảm. Tuy nhiên, Báo cáo cũng thừa nhận thực tế Trung Quốc là “nguồn cung duy nhất” đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ, ví dụ: linh kiện, phụ tùng quan trọng của thang cuốn, ô tô… Mặt khác, Trung Quốc có lợi thế về “kinh tế quy mô”, có thể sản xuất nhiều mặt hàng với số lượng lớn nên các nước khác khó có thể cạnh tranh.
Báo cáo cho biết, từ tháng 3/2020, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cung thay thế cho một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp Ấn Độ cho rằng “rất khó để tìm một quốc gia có thể cung cấp một số lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn”.
Sau khi xảy ra đối đầu ở khu vực biên giới Trung – Ấn, truyền thông và các tổ chức kinh tế Ấn Độ liên tục tìm cách “tẩy chay hàng hóa Trung Quốc”. Theo Press Trust of India (PTI), gần đây Liên đoàn thương nhân Ấn Độ đã phát động chiến dịch mang tên “Trung Quốc rút khỏi Ấn Độ” nhằm đẩy nhanh ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và hạn chế các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Ấn Độ. Ông Kandelwal, Đại diện Liên đoàn cho rằng, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư khá nhiều vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, do đó chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ từ chối đầu tư của Trung Quốc. Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ cần tiếp tục giám sát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc trong ít nhất 3 năm tới.
Theo số liệu của Cục Thống kê Ấn Độ, trong năm tài chính 2019, Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá khoảng 65,1 tỷ USD, xuất khẩu khoảng 16,6 tỷ USD, nhập siêu 48,5 tỷ USD. Xuất phát từ lo ngại quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế đối với một số ngành công nghiệp như hóa chất, phụ tùng ô tô, sản phẩm nông nghiệp; đồng thời cố gắng giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc xuống còn 8,4 tỷ USD vào năm 2022.
Tờ Deccan Herald dẫn các nguồn tin chính thức cho biết, Ấn Độ sẽ tăng cường năng lực sản xuất trong nước nhằm cắt giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu các nguồn cung thay thế có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, nhưng riêng trong lĩnh vực nguyên liệu dược, Ấn Độ sẽ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc trong vòng 3 đến 5 năm tới./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)