Ấn Độ: Mục tiêu 5 nghìn tỷ USD năm 2024

0
120
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, New Delhi dự kiến sẽ đầu tư 1.500 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Gia Thành)
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, New Delhi dự kiến sẽ đầu tư 1.500 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Gia Thành)

Chiều 26/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Hợp tác kinh tế Ấn Độ-Việt Nam: Khảo sát kinh tế và Ngân sách tài chính của Ấn Độ 2020”.

Hội thảo có sự tham gia của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, đại diện Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Tại Hội thảo, Đại sứ Pranay Verma cho biết, trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm sút, tình hình thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vẫn đạt 5,0%. Dự kiến, tăng trưởng GDP ​​của Ấn Độ ​​sẽ phục hồi từ quý đầu tiên của giai đoạn 2020-2021 và sẽ tăng lên 6% – 6,5%.

Không chỉ thế, trong giai đoạn từ năm 2014-2019, Ấn Độ đã có bước nhảy vọt đáng kể trong bảng xếp hạng quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2014, Ấn Độ đứng thứ 142, đến năm 2019 quốc gia này đã xuống vị trí thứ 63. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trị giá 284 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2019; tăng từ 190 tỷ USD vào 5 năm trước đó. Tài sản tiết kiệm hộ gia đình hàng năm là 55,94 USD; 6 triệu người nộp thuế mới tăng thêm trong vòng hai năm qua.

“Điều này thể hiện New Delhi đã thực hiện hiệu quả của chính sách cải cách của chính phủ cũng như niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng”, Đại sứ Pranay Verma nhấn mạnh.

Đại sứ Pranay Verma cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt mục tiêu Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD năm 2024 và chú trọng sự phát triển đời sống, nâng cao năng lực và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân. New Delhi cũng dự kiến sẽ đầu tư 1.500 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Rajesh Uike cho biết, Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% – 6,5% cho năm tài khóa 2020-2021, bắt đầu từ ngày 1/4/2020. Như vậy, để nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và đang trong lộ trình trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD, Ấn Độ cần giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng.

Cụ thể, về vấn đề việc làm, hiện tại, Ấn Độ có cơ hội lớn để tạo ra một quỹ đạo xuất khẩu giống Trung Quốc với nguồn lao động dồi dào. Bằng cách đưa sáng kiến “Assemble in India for the world” (Lắp ráp tại Ấn Độ cho thế giới) vào chính sách “Make in India”, Ấn Độ có thể tăng thị phần xuất khẩu lên 3,5% vào 2025 và 6% vào 2030, tạo 40 triệu công việc trả lương tốt vào 2025 và 80 triệu vào 2030, việc xuất khẩu sản phẩm mạng có thể tăng 25% giá trị gia tăng cần thiết để đưa Ấn Độ thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD.

Về thu hút FDI, Chính phủ Ấn Độ cần xem xét kêu gọi vốn FDI trong lĩnh vực hàng không, truyền thông và bảo hiểm sau khi tham khảo ý kiến ​​với tất cả các bên liên quan. Cho phép 100% vốn FDI cho các đơn vị trung gian bảo hiểm và các chỉ tiêu tìm nguồn cung ứng tại địa phương sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện cho FDI trong lĩnh vực bán lẻ độc quyền.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, Ấn Độ cần cải thiện vấn đề phá sản và giải thể doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, hoạt động thương mại biên giới, đăng ký tài sản, nộp thuế, điện, và bắt đầu hoạt động kinh doanh; điều phối giữa các cơ quan logistic, thuế, hải quan, vận tải và cảng; tập trung tiếp cận ngành công nghiệp đơn lẻ như du lịch và sản xuất.

Bên cạnh đó, quốc gia này cần phải tập trung mạnh vào phục hồi tăng trưởng trong Ngân sách 2020; giải quyết các tồn tại của các ngân hàng nhà nước; tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các công ty hoàn tất thủ tục phá sản thông qua Luật Phá sản (IBC); nâng cao phúc lợi xã hội; chú trọng các biện pháp khuyến khích đầu tư; tập trung vào Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet Vạn vật (IoT), in 3D, máy bay không người lái, lưu trữ dữ liệu ADN, điện toán lượng tử…

Theo ông Rajesh Uike, các công nghệ kỷ nguyên mới như phân tích, trí tuệ nhân tạo, robot, học máy, và tin học sinh học đang thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ hiện có số người cao nhất trong độ tuổi làm việc (15-65 tuổi), vì vậy, lộ trình của Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tập trung hướng tới: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet Vạn vật (IoT), in 3D, máy bay không người lái, lưu trữ dữ liệu ADN, điện toán lượng tử; Lĩnh vực sản xuất ô tô và lắp ráp; Cung cấp dịch vụ Quản trị kỹ thuật số Cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua Đường ống cơ sở hạ tầng quốc gia; Giảm thiểu rủi ro thông qua khả năng phục hồi thảm họa; An sinh xã hội thông qua lương hưu và bảo hiểm.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here