Kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ tăng trưởng mạnh.
Đó là chia sẻ của ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tại tọa đàm với chủ đề “Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại trong gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP” diễn ra ngày 27/11.
Ông Bùi Tuấn Hoàn cho rằng, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile; trong đó, ngoại trừ Chile đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Việt Nam; Canada, Mexico và Peru là 3 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam. Nhờ đó, những ưu đãi thuế quan trong CPTPP có tác động rất tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ trong 9 tháng năm 2023 đạt 8,76 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch giảm chủ yếu ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ nội thất…
Nhập khẩu từ các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ trong 9 tháng năm 2023 cũng có mức giảm tương tự 15%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng máy móc.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Chẳng hạn như pháp luật phòng vệ thương mại được các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước. Vì vậy, những nước chưa có FTA với Việt Nam cũng đã điều tra và áp dụng rất nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Thống kê cho thấy, Australia hiện nay đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc. Ngoài ra, Mexico kể từ khi có FTA với Việt Nam, doanh nghiệp cũng đã tăng cường xuất khẩu sang Mexico và từ năm 2019 trở lại đây và đã có 3 vụ việc mới và phát sinh toàn bộ là sau khi ký kết Hiệp định CPTPP cùng với Mexico.
“Những mặt hàng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng nhanh, mạnh. Hơn nữa, nguyên tắc để bắt đầu một vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên chính là sự gia tăng về nhập khẩu. Bởi, một nước nhận thấy rằng có sự gia tăng rất lớn về mặt nhập khẩu và gây sức ép đối với trong nước sẽ bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên để điều tra phòng vệ thương mại”, ông Phùng Gia Đức nhấn mạnh.
Nhìn nhận từ phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp ngành nhôm đến thời điểm hiện tại không đồng đều về rủi ro phòng vệ thương mại. Khi doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu quan tâm đến nhu cầu của thị trường, mức thuế xuất nhập khẩu và về giá cả của hàng hóa mà rất ít quan tâm đến việc rủi ro phòng vệ thương mại.
“Chỉ khi đến các vụ việc liên quan doanh nghiệp mới bắt đầu đi tìm hiểu thông tin thông qua hiệp hội, luật sư hoặc là đối tác và khi đó doanh nghiệp ứng phó một cách tương đối bị động trong rủi ro phòng vệ thương mại. Gần đây, việc phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam gia tăng, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm tới việc phòng vệ thương mại”, ông Vũ Văn Phụ nói.
Để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ cho hay, hiện vẫn còn một số việc như các nhà sản xuất nước ngoài lợi dụng vấn đề gọi là tráng men xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu ra các thị trường.
“Đây là một vấn đề nhức nhối với doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là ngành nhôm hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần được hỗ trợ kết nối cung cầu mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường khi bị điều tra phòng vệ thương mại”, ông Phụ nhấn mạnh.
Theo ông Phùng Gia Đức, thời gian tới, các vụ kiện sẽ còn tăng trưởng rất nhanh. Vì thế doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật vấn đề liên quan đến thay đổi pháp luật của nước ngoài. Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức đối thoại về phòng vệ thương mại với cơ quan điều tra nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng kiên quyết phòng trừ với doanh nghiệp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc nhập khẩu hoặc lẩn tránh xuất xứ bất hợp pháp.
Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến thông tin, cảnh báo sớm về nguy cơ để giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro bị điều tra hoặc hạn chế tối đa tác động của việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP trong bối cảnh mới.
Gia Thành