Các doanh nghiệp Pháp bị ảnh hưởng lớn do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

0
101

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 đã giúp Iran thoát khỏi cấm vận và cho phép nhiều doanh nghiệp Pháp trong các lĩnh vực khác nhau như xe hơi, dầu khí, vận tải, hàng không, hạ tầng cơ sở, khách sạn, viễn thông…, ký kết các hợp đồng lớn để làm ăn với Iran. Năm 2017, xuất khẩu của Pháp sang Iran đạt 1,5 tỷ euro, tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 2 năm và hiện Pháp đã trở thành đối tác đứng hàng thứ hai của châu Âu tại Iran, sau Đức. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa dội gáo nước lạnh vào các doanh nghiệp Pháp với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa trừng phạt những doanh nghiệp nào không chấm dứt hoạt động tại nước Cộng hòa hồi giáo này.

Trong số những doanh nghiệp Pháp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định trên phải kể đến Total, Renault, PSA, Accor. Total liên danh với tập đoàn CNPC của Trung Quốc có dự án hợp tác với tập đoàn dầu mỏ Iran NIOC để khai thác giếng khí gas South Pars ở ngoài khơi Vịnh Péc-xích – là giếng khí gas tự nhiên lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 5 tỷ USD trong đó Total góp 50,1% vốn, CNPC góp 30% và NIOC góp 19,9%. Giai đoạn 1, gói đầu tư 2 tỷ USD đã được khởi động. Nếu Total buộc phải rút khỏi dự án này, thì  tập đoàn CNPC của Trung Quốc sẽ lấy lại phần tham gia của Total. Ngoài ra Total cũng phải ngừng mua dầu thô của Iran một khi lệnh trừng phạt áp dụng. Năm 2017, Total đã chi tới 2,6 tỷ euro để mua dầu thô của Iran.

Hai hãng xe hơi PSA và Renault cũng sẽ bị thiệt hại lớn. PSA đầu tư vào Iran gần 1 tỷ euro trong vòng 5 năm. Trong năm 2017, PSA đã bán cho Iran 444.600 xe hơi, tăng tới 90%, chiếm 30% thị trường xe hơi của Iran.  Còn Renault đầu tư 660 triệu euro để sản xuất tại Iran mỗi năm 300.000 xe ô tô. Năm 2017, Renault đã bán cho Iran 162.000 xe hơi, tăng 59%, chiếm 10% thị trường xe hơi của Iran. Nếu như PSA hiện chỉ có mặt ở Mỹ thông qua hoạt động dịch vụ cho thuê xe ô tô thì Renault sẽ bị thiệt hại rất nhiều nếu bị cấm thâm nhập vào thị trường Mỹ, một thị trường chủ chốt của Nissan  – đối tác mà Renault nắm giữ 43%.

Đối với Airbus, cú “sốc” còn mạnh hơn.  Đầu năm 2016, các hãng hàng không Iran (Iran Air Tour, Zagros Airlines) đã đặt mua 106 máy bay A320neo của Airbus với trị giá 20 tỷ USD. Nay thì Airbus sẽ phải chấm dứt hợp đồng béo bở này cũng như phải từ bỏ một thị trường rất hứa hẹn. Theo ước tính, Iran sẽ cần mua tới 400 – 500 máy bay  trong vòng 10 năm tới.

Accor – Tập đoàn khách sạn số 1 của Pháp là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên về khách sạn có mặt tại Iran sau khi đã ký với công ty Aria Ziggurat hai hợp đồng quản lý các khách sạn Ibis và Novotel nằm gần sân bay Tehran.

Trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và viễn thông, các công ty Bouygues, Vinci, Orange muốn làm ăn lâu dài tại Iran, nhưng sẽ buộc phải xem xét lại chiến lược phát triển của mình.

Pháp, thông qua Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire, đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định áp đặt của Mỹ. Ông Le Maire cho rằng quyết định sẽ trừng phạt các doanh nghiệp làm ăn với Iran là “không thể chấp nhận”, và với quyết định này Mỹ đã tự cho mình là “sen đầm kinh tế” của thế giới.

(ĐSQVN tại Pháp – Theo Le Figaro, Les Echos, Le Monde, Franceinfo)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here