Lệnh trừng phạt của Mỹ đánh dấu sự kết thúc thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC

0
95

Giá dầu tăng hơn 3% hôm 9/5, mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp lệnh trừng phạt ở “mức cao nhất” đối với Iran. Bỏ ngoài tai lời thuyết phục của các đồng minh, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận năm 2015, một động thái có thể làm tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông và dẫn tới sự bất ổn về nguồn cung dầu trong tình hình thị trường vốn đã căng thẳng. Dầu thô Brent có lúc tăng lên tới 77,2 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Dầu thô nhẹ của Mỹ tăng 1,7 USD/thùng, tương đương gần 2,5%, đạt mức giá 70,76 USD/thùng, gần mức cao nhất hồi năm 2014.

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bộ trưởng Năng lượng của Ả-tập Xê-út cho biết nước này sẽ làm việc với các nhà sản xuất và tiêu thụ dầu lớn trong và ngoài OPEC để hạn chế tác động của bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào.

Sự đảm bảo của Ả-rập Xê-út được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang P5+1. Tổng thống Trump cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt có thể làm giảm khả năng xuất khẩu dầu của Iran, trụ cột chính cho nguồn thu ngân sách nước này. Trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân vào cuối năm 2015, xuất khẩu dầu thô của Iran chỉ ở mức một triệu thùng mỗi ngày, chủ yếu xuất sang các nước châu Á và châu Âu. Con số này hiện đã tăng lên thành 2,5 triệu thùng/ngày. Ả-rập Xê-út hiện đang bơm khoảng 10 triệu thùng/ngày, vẫn còn dư 2 triệu thùng/ngày so với công suất khoảng 12 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng Năng lượng của Ả-rập Xê-út cho biết thêm, Ả-rập Xê-út cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu để phục vụ lợi ích của cả người sản xuất và người tiêu dùng cũng như sự bền vững của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ chính thuộc OPEC và các thành viên ngoài OPEC trong đó có Nga, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, hiện đang cùng nhau thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm để hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, quyết định của Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận giảm sản lượng hiện tại giữa OPEC và các đồng minh. OPEC nhiều khả năng sẽ muốn tiếp tục thỏa thuận hiện tại, nhưng trong tương lai việc loại bỏ vài trăm nghìn thùng mỗi ngày từ nguồn xuất khẩu của Iran sẽ đòi hỏi một sự điều chỉnh lớn.

Ả-rập Xê-út đã hứa sẽ giảm thiểu tác động của bất kỳ thiếu hụt nguồn cung nào trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ quyết định tái áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran. Nước này chưa nói rõ cụ thể sẽ làm thế nào nhưng lượng xuất khẩu dầu của Iran bị loại khỏi thị trường sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh trừ khi các nước xuất khẩu khác tăng sản lượng để bù đắp.

Trên thực tế, chỉ có Ả-rập Xê-út, UAE, Cô-oét, Nga và Mỹ mới có khả năng tăng sản lượng và xuất khẩu chỉ trong một thời gian ngắn. Ả-rập Xê-út và các đồng minh thân cận Abu Dhabi và Cô-oét nắm giữ gần như tất cả sản lượng dự trữ có thể đáp ứng nhanh chóng lượng thiếu hụt của Iran.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng có thể tăng sản lượng của họ nhưng sẽ mất thời gian và dầu thô nhẹ của Mỹ không phải là sản phẩm thay thế tốt cho dầu nặng hơn của Iran. Các công ty Nga cũng có thể nắm giữ sản lượng dự phòng và chắc chắn có thể tăng sản lượng trong vòng 12 tháng. Dầu thô của họ gần tương đương với các loại dầu của Iran. Mỹ và Ả-Rập Xê-Út dường như đã đạt được một thỏa thuận chính trị cấp cao, trong đó Mỹ sẽ tăng áp lực lên Iran để đổi lấy việc Ả-Rập Xê-út đồng ý giúp giá dầu tăng mạnh.

Sự tồn tại của thỏa thuận này đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong phát biểu các phóng viên hôm thứ Ba rằng “chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các bên khác nhau … rằng sẽ sẵn sàng tăng nguồn cung dầu”. Trước đó, ngày 20/4 Tổng thống Trump đã viết trên trang Tweeter cá nhân chỉ trích OPEC về việc đẩy giá dầu lên cao có thể được xem như một phần của quá trình đàm phán để đạt được một thỏa thuận như vậy với Ả-Rập Xê-út.

Trên thực tế, Mỹ đã đồng ý thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và Ả-rập Xê-út đã đồng ý hạn chế tác động đến giá dầu. Chi tiết của thỏa thuận đó vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc đạt thỏa thuận như vậy là thiết yếu để thực hiện thành công các biện pháp trừng phạt. Giá xăng dầu của Mỹ đã đạt trung bình gần 3 USD/gallon, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 so với mức 2,5 USD một năm trước. Trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11, các chính trị gia Mỹ không muốn bị buộc trách nhiệm cho sự leo thang căng thẳng, đẩy giá xăng dầu lên cao hơn nữa. Nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Iran phải giảm sản lượng xuất khẩu thì Ả-Rập Xê-út và các đồng minh OPEC sẽ phải tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt nếu không muốn bị cáo buộc là lại tiếp tục đẩy giá dầu lên cao.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước OPEC, đứng đầu là Ả-rập Xê-út và các nhà xuất khẩu dầu khác, đứng đầu là Nga, đã được thực hiện tháng 12 năm 2016; sau đó đã được gia hạn hai lần, vào tháng 5 và tháng 12 năm 2017 và hiện đang được lên kế hoạch tiếp tục áp dụng cho đến ít nhất là đến tháng 12 năm 2018. Ngay cả trước khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC đã có nguy cơ bị phá vỡ do các sự kiện riêng lẻ khác. Tình hình bất ổn tại Venezuela đã làm giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến và đã khiến lượng dầu dự trữ toàn cầu giảm nhanh hơn nhiều so với dự đoán của OPEC vào cuối năm ngoái. Kết quả là giá dầu đã tăng mạnh, mặc dù các thành viên OPEC đều thích, nhất là Ả-Rập Xê-út, vốn cần tăng nguồn thu nhập để tài trợ cho các chương trình cải cách đầy tham vọng. Nhưng việc giảm một khối lượng lớn xuất khẩu của Iran do các biện pháp trừng phạt sẽ làm xấu đi tình hình hạn chế nguồn cung đang tồn tại trên thị trường và sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn nữa. Việc giá dầu tiếp tục tăng giá hơn nữa sẽ có nguy cơ làm phức tạp chiến lược của OPEC vì sẽ khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến gia tăng sản lượng, cũng như làm làm giảm đáng kể mức tăng trưởng tiêu thụ dầu.

Giá dầu tăng quá mạnh cũng đặt ra một vấn đề chính trị vì chính quyền Trump cũng như Ả-rập Xê-út đều không muốn bị đổ tội cho việc tăng giá xăng ở Mỹ và trên thế giới.

Vì tất cả những lý do này, Ả-rập Xê-út và các thành viên OPEC khác sẽ phải chịu áp lực lớn phải tăng sản lượng để bù đắp cho việc giảm sản lượng của Iran. Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran sẽ chưa áp dụng trở lại ngay mà sẽ có 6 tháng để các doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian điều chỉnh. Về lý thuyết, Mỹ cũng để ngỏ việc miễn trừ cho các nhà nhập khẩu dầu thô từ Iran, miễn là họ cho thấy sẽ giảm lượng mua từ Iran. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã nói rõ họ muốn các nhà nhập khẩu bắt đầu giảm lượng mua từ Iran ngay lập tức nếu sau này muốn được miễn trừ. Kết quả là các biện pháp trừng phạt sẽ sớm có tác dụng và có thể sẽ cắt dần lượng xuất khẩu của Iran trong vài tháng tới.

Do đó, các thành viên OPEC có thể phải điều chỉnh chính sách ngay từ bây giờ chứ không đợi đến tháng 12 vì khi đó thị trường sẽ rất căng thẳng và sẽ quá muộn. Mức sản lượng theo thỏa thuận hiện tại của OPEC và các nước ngoài OPEC hiện không còn phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, mặc dù thỏa thuận vẫn còn hiệu lực nhưng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nếu có hiệu lực, sẽ đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận đó.

Tin từ ĐSQVN tại Kuwait (theo Kuwait Times ngày 10/5).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here