Theo các chuyên gia kinh tế, Bangladesh cần cải thiện môi trường đầu tư nhằm đảm bảo việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), qua đó đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trên trung bình vào năm 2021. Theo con số ước tính của Chính phủ Bangladesh, để đạt được mục tiêu trên, nước này cần thu hút lượng vốn FDI trung bình hàng năm là 6,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Bangladesh công bố tuần trước, lượng vốn FDI vào Bangladesh trong năm 2017 giảm 13,5%, chỉ đạt 2,02 tỷ USD, so với con số 2,33 tỷ USD của năm 2016. Trong nửa đầu năm 2017, thu hút vốn FDI đạt 987,09 triệu USD, sau đó tăng nhẹ lên mức 1,03 tỷ USD trong nửa cuối năm 2017.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Agrani Bank Zaid Bakht, kết quả thu hút vốn FDI phụ thuộc vào môi trường đầu tư của quốc gia; các doanh nghiệp nước ngoài thường xem xét tình hình đầu tư của khu vực tư nhân tại nước đó trước khi quyết định có đầu tư hay không. Ông Zaid cho rằng sự đình trệ trong hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân trong nước là nguyên nhân khiến cho dòng vốn FDI vào Bangladesh bị giảm. Bên cạnh đó, việc Bangladesh bị tụt một bậc về Chỉ số Tạo thuận lợi kinh doanh, từ vị trí 176 của năm 2016 xuống vị trí 177 trong năm ngoái cũng tác động tiêu cực tới quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, ông Zaid nhấn mạnh các cấp chính quyền của Bangladesh cần tập trung để cải thiện môi trường đầu tư trong nước. Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chính sách của Bangladesh Ahsan H Mansur cho rằng tuy những con số trên chưa phản ánh đầy đủ tình trạng của nền kinh tế Bangladesh, nhưng rõ ràng là kết quả thu hút FDI của Bangladesh vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Bangladesh, trong năm tài chính 2016-17, Singapore là nước có lượng vốn FDI ròng vào Bangladesh lớn nhất (701,4 triệu USD), tiếp đó là Anh (313,87 triệu USD), Mỹ (208,71 triệu USD). Xét về các lĩnh vực, viễn thông là lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất (593,89 triệu USD, chiếm 24,19%), tiếp đó là dệt may (360,35 triệu USD, chiếm 14,68%) và điện (334,26 triệu USD, chiếm 13,62%).
(ĐSQVN tại Bangladesh – Theo The Daily Sun)