ADB: Năm 2018, GDP của Việt Nam có thể tăng 7,1%

0
150
Tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi một loạt các yếu tố khác nhau trong đó có việc mở rộng lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu.
Tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi một loạt các yếu tố khác nhau trong đó có việc mở rộng lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu.

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2018 và Triển vọng kinh tế Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, GDP có thể tăng 7,1% trong năm 2018 và giảm xuống 6,8% vào năm 2019.

Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh nhất khu vực

Tại buổi công bố Báo cáo, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwickl nhận định, được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế Châu Á cũng như Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, và Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh nhất của khu vực.

Đại diện ADB cho biết, tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi một loạt các yếu tố khác nhau trong đó có việc mở rộng lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu. Nhu cầu trong nước tăng cao, đầu tư cũng mạnh mẽ với chủ đạo là đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước; nông nghiệp cũng được cải thiện. Trên cơ sở sự tăng trưởng mạnh mẽ này, ADB dự báo rằng, lạm phát có xu hướng tăng. Tuy nhiên chừng nào chính sách tiền tệ của Việt Nam còn được duy trì một cách ổn định… thì giá cả tiêu dùng duy trì ở mức ổn định và chỉ số tiêu dùng sẽ tăng đạt khoảng 3,7% trong năm nay và đến năm 2019 tăng lên 4%…

Báo cáo cũng dự báo, lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3,7% trong năm nay, tăng lên so với mức 3,5% của năm 2017 và đạt tới 4,0% trong năm 2019, do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.

Ông Eric Sidgwick nhận định: “Sự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kéo giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô”.

Trong khi nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng vững chắc của Việt Nam, Báo cáo cũng lưu ý một số nguy cơ lớn đối với triển vọng này. Theo Báo cáo, nợ xấu chưa được xử lý trong khu vực tài chính và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh bất ngờ, mặc dù Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã có hiệu lực.

Đồng thời, mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại như triển vọng Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc cũng khiến Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan toả đáng kể đến thị trường nội địa.

Đáng chú ý, Báo cáo cho rằng, kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GPD đang khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Những tác động từ mối quan hệ thương mại giữa hai đối tác lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cũng khuyến nghị về thực trạng của thị trường lao động, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng nhằm bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng. Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn thì khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn. Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam.

Châu Á vẫn duy trì được động lực tăng trưởng

Theo Báo cáo, hầu hết các nước châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm nay, nhờ đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước tăng. GDP của các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt mức 6% trong năm 2018 và 5,9% năm 2019, giảm nhẹ so với mức tăng 6,1% đạt được trong năm 2017. Nếu ngoại trừ các nước công nghiệp hóa mới có mức thu nhập cao, thì tăng trưởng của khu vực này dự báo đạt 6,5% trong năm 2018 và 6,4% năm 2019, so với mức tăng trưởng 6,6% năm ngoái.

“Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng hiện nay nhờ các chính sách lành mạnh, xuất khẩu được mở rộng và nhu cầu trong nước tăng”, ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết.

Sự phục hồi ở các nước công nghiệp đang tiếp tục, với Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản dự kiến đạt mức tăng trưởng chung 2,3% trong năm 2018, trước khi giảm còn 2% năm 2019. Việc cắt giảm thuế gần đây tại Mỹ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế tại nước này. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tăng lên cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở khu vực đồng euro và Nhật Bản.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại, với mức tăng 6,6% trong năm nay và 6,4% trong năm 2019, sau khi tăng 6,9% năm 2017. Nhu cầu trong nước và nước ngoài cao cùng với những cải cách kinh tế đã đặt nền tảng cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Khu vực Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực tăng trưởng cao nhất trong khu vực, với động lực là sự phục hồi của Ấn Độ – nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kinh tế Ấn Độ dự báo tăng trưởng tới 7,3% trong năm tài chính 2018 và 7,6% trong năm tài chính 2019.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á tiếp tục hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại toàn cầu và việc giá hàng hóa tăng lên. Kinh tế các nước này dự báo tăng trưởng 5,2% trong cả năm nay và năm 2019. Nhu cầu đầu tư và tín dụng tăng cao sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi việc phát triển mạnh các cơ sở công nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế tại các nước Trung Á dự kiến đạt mức 4% trong năm 2018 và 4,2% năm 2019, nhờ giá hàng hóa tăng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực Thái Bình Dương dự báo đạt 2,2% và 3% trong 2 năm tới.

Giá hàng hóa tăng tại châu Á sẽ đẩy lạm phát trong khu vực này tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực này được dự báo tăng 2,9% trong năm 2018 và 2019, tăng mạnh so với mức 2,3% năm 2017. Tuy nhiên, lạm phát của khu vực này vẫn thấp xa so với mức trung bình của 10 năm qua là 3,7%.

Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng khu vực châu Á chủ yếu đến từ sự leo thang căng thẳng thương mại. Việc Mỹ quyết định đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu mới đây không tác động nhiều đến thương mại, song những hành động tiếp theo của Mỹ và hành động trả đũa của các nước khác chống lại Mỹ có thể làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, nợ của khu vực tư nhân tăng lên đang là mối lo ngại tại một số nước châu Á. Nghiên cứu của ADB cho thấy, nợ chỉ có tác động tích cực đến nền kinh tế trong ngắn hạn.

 Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here