Tác giả Werner Grundlehner trên tờ Neue Zurcher Zeitung ngày 9/4/2018 đã có bài viết về kinh tế Việt Nam, với một số nội dung chính như sau:
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế. Theo các chỉ số đánh giá MSCI, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thu nhập trung bình, nhưng sẽ trở thành một nền kinh tế mới nổi trong vài năm tới. Qua đó các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ được đổ vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam tuần trước, bà Bộ trưởng Doris Leuthard rất ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam. Bà Leuthard đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã ký một hiệp định về hàng không với Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về môi trường, giao thông và cơ sở hạ tầng, lãnh đạo Thụy Sĩ và Việt Nam cũng đã đề cập đến khả năng ký một hiệp định thương mại tự do.
Sự tăng trưởng của Việt Nam xuất phát từ “Đổi mới” năm 1986 và việc xoá bỏ cấm vận của Hoa Kỳ trong những năm 1990. Sau đó đến việc gia nhập ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực trong đó có TPP.
Từ 2005 đến 2009, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,3%, sau đó do khủng hoảng tài chính, mức tăng trưởng tụt xuống còn 6%. Tuần trước, trong Diễn đàn đầu tư Việt Nam do Quỹ đầu tư Vogt (Vogt Asset Management) tổ chức tại Zurich, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc điều hành Ayaltis đã phát biểu “Những gì Trung Quốc làm, chúng tôi cũng làm được – và đơn giản là còn làm tốt hơn”. Chính phủ Việt Nam là một chính phủ ổn định, cầu thị và sẵn sàng cải cách. Việc tư hữu hoá đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện mua cổ phần các doanh nghiệp không phải của Nhà nước. Chính phủ cũng lên kế hoạch mở rộng việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, vì hơn 200 doanh nghiệp Nhà nước là một gánh nặng cho ngân sách. Trong năm 2018, số lượng cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước được chuyển sang cho tư nhân sẽ tăng 6 đến 7 lần so với năm ngoái. Điều đó làm tăng tính minh bạch và giá trị của các doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước đã mang lại cho ngân sách 6 tỷ USD. Riêng việc chào bán cổ phần của Công ty bia rượu Sài Gòn (SABECO) đã đạt doanh thu kỷ lục lên đến 4,8 tỷ USD.
60% dân số VN làm nông nghiệp, một đất nước có hơn 3400 km bờ biển và nhiều khu vực khí hậu khác nhau, do đó Việt Nam có nhiều sản phẩm đa dạng. Mặc dù vậy, phần lớn người dân vẫn bị lôi cuốn bởi các thành phố, nơi mà công nghiệp và dịch vụ phát triển hết sức năng động và cũng là động lực của sự tăng trưởng. Các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc di chuyển các nhà máy của họ đến VN. 60% số lượng điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất tại đây. Du lịch và các công ty khởi nghiệp về tài chính và công nghệ cũng tăng trưởng đột phá trong những năm vừa qua. Điển hình là công ty dịch vụ trí tuệ Thụy Sĩ Sentifi sử dụng phần lớn nhân viên tại Việt Nam.
Nhưng một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam lại chính là tiêu dùng trong nước. 2/3 thu nhập chi cho tiêu dùng. Hiện Việt Nam có tỷ lệ “tuổi vàng” trong cấu trúc dân số, cứ hai người đi làm giúp cho cho một người. Theo ông David Kadarauch của Quỹ Vietnam Holding Asset Management, “Nơi đầu tư tốt nhất tại Việt Nam là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng”.
Như tất cả các nền kinh tế mới nổi khác, bất động sản đang tăng trưởng mạnh mẽ. Kadarauch cũng khuyên các nhà đầu tư nên chọn đối tác là những công ty có các sản phẩm phục vụ tầng lớp trung lưu và việc di dân từ nông thôn ra thành thị. Quỹ tín dụng của các ngân hàng cũng phát triển mạnh. “Đối với người lao động có công ăn việc làm ổn định, có thể vay vốn với lãi suất từ 8 đến 10%”. Tuy nhiên, Việt Nam không còn là một nơi xa lạ đối với các nhà đầu tư. Tổng giá trị giao dịch thị trường chứng khoán đến cuối tháng 3/2018 lên đến 190,2 tỷ USD trong khi ở thời điểm cuối năm 2006 mới chỉ là 9 tỷ USD. Số luọng các công ty lên sàn chứng khoán tăng từ 179 lên đến 1400. Chỉ số Index so với Blue-Chip Index trên 21 điểm. So với các thị trường tương đương khác, đây là một chỉ số cao. Đặc biệt, năm 2017, sự tăng trưởng của lãi dòng của các doanh nghiệp đạt được 19,5%- đây là một con số đầy ấn tượng.
Triển vọng kinh tế Việt Nam rất lạc quan nhưng không phải không có những nhân tố rủi ro. Theo ông Mario Timparano, chuyên gia về Việt Nam của Quỹ đầu tư Vogt những kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ rất lớn và nếu không đạt được các mục tiêu đề ra nguy cơ thất bại cũng rất cao. Việc tăng giá điện và dầu thô sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát do các trợ cấp về giá điện và dầu thô đang bị cắt giảm một phần. Việc đánh giá ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và TQ đối với nền kinh tế Việt Namcũng không đơn giản. Theo ông Kadarauch, Hiệp định đối tác xuyên TBD không có Hoa Kỳ làm tổng giá trị thương mại của VN chỉ còn 2/3, mặc dù vậy TPP vẫn rất có lợi cho nền kinh tế VN.
(ĐSQVN tại Thuỵ Sĩ)