Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường cơ chế Đối thoại về An ninh năng lượng

0
126
Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ I.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Bộ Công Thương vừa phối hợp tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ I. Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng và bà Sandra Oudkirk Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách lĩnh vực năng lượng đồng chủ trì Đối thoại.

Cơ chế đối thoại thường niên

Trong Đối thoại lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn tại các phiên thảo luận về: An ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng; Chiến lược đa dạng hóa các nguồn năng lượng; Các loại phí và giá năng lượng; Các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ phát triển năng lượng tái tạo; Liên kết năng lượng trong khu vực và Thương mại năng lượng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các cơ hội để doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn trong phát triển năng lượng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thể hiện sự quan tâm lớn trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm mở rộng các cơ hội và triển khai các sáng kiến năng lượng tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Đối thoại, các cuộc gặp cấp kỹ thuật cũng được tổ chức. Đây cũng là dịp để các chuyên gia và doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin về công nghệ tiên tiến và các kinh nghiệm thực tế có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho các dự án năng lượng cụ thể tại Việt Nam.

Đối thoại dự kiến sẽ được tổ chức thường niên nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp tục triển các dự án hợp tác hiệu quả mang lại lợi ích chung cho Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) tính trên đầu người đã tăng 10 lần, từ 114 USD năm 1990, xấp xỉ 2400 USD vào năm 2015. Dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

Cơ hội hợp tác về năng lượng

Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp giảm đáng kể từ 44,2% năm 2000 xuống 16,9% vào năm 2015. Tỷ lệ sụt giảm là do năng lượng sinh khối phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năng 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016 – 2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026 – 2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Các con số nêu trên nói lên nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam hết sức hiện thực và chính là cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng của Hoa Kỳ như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, UOP, GE, AES,…đều đã có mặt tại Việt Nam với nhiều dự án hợp tác sôi động trải rộng trên khắp cả nước. Các hoạt động hợp tác cũng hết sức phong phú và bao trùm mọi lĩnh vực năng lượng như: thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; Đầu tư, phát triển các nhà máy điện; Hợp tác khoa học kỹ thuật năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo …

Với tiềm lực phát triển trình độ cao và sự mạnh mẽ của các doanh nghiệp năng lượng Hoa Kỳ và nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh tại Việt Nam, Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hợp tác hiện tại giữa hai nước còn rất khiêm tốn, hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như sau:

– Tăng cường hợp tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam cũng như tại các nước thứ ba.

– Các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí.

– Đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu năng lượng (LNG, than) tại Việt Nam bao gồm: cảng nhập, cảng trung chuyển, kho chứa, hệ thống đường ống, cơ sở chế biến, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

– Các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, hiệu quả cao, các dự án nhiệt điện chạy khí.

– Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống lưới tải hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.

– Phát triển các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo để nối lưới hoặc không nối lưới đáp ứng nhu cầu tại các khu vực hiện chưa tiếp cập với hệ thống truyền tải quốc gia.

– Tư vấn, hợp tác hiện đại hóa hệ thống quản lý điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực quản lý,…

Có thể thấy rõ tiềm năng hợp tác năng lượng của hai bên còn nhiều không gian để tiếp tục phát triển. Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ chính là cùng có một bước đi quan trọng đánh dấu cho sự phát triển trong quan hệ hợp tác năng lượng của hai nước. Cơ chế hợp tác trong lĩnh vực năng lượng này sẽ tạo ra một nền tảng cơ sở về định hướng chính sách từ phía hai Chính phủ đổi với các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng giữa hai bên, mở ra một giai đoạn mới cho những dự án hợp tác hiệu quả và thành công trong tương lai.

Với cơ chế Đối thoại song phương này, hai bên hy vọng sẽ thúc đẩy việc trao đổi để bổ sung, hoàn thiện các thông tin, hiểu biết về tình hình phát triển năng lượng ở cả hai nước, từ đó tận dụng tốt ưu thế của từng bên và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp mà ở đó an ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho mọi người.

Phong Nhi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here