Kinh tế Việt Nam – nhiều tín hiệu khởi sắc trong năm 2018

0
146
TS. Kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Nhiều loại nông, thủy sản trúng mùa, được giá và sức mua thị trường đều tăng hơn năm trước.

Trong bối cảnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo chung trên thế giới, Việt Nam đón Xuân mới Mậu Tuất 2018 với không khí vui tươi, tin tưởng hơn không chỉ nhờ  những thành tựu to lớn và toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đối nội và đối ngoại đã đạt được trong năm 2017, mà còn ghi nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực mới ngay từ hai tháng đầu năm.

Những kết quả khả quan trên mọi mặt

Nhiều loại nông, thủy sản trúng mùa, được giá và sức mua thị trường đều tăng hơn năm trước, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% so với mức chỉ tăng 5,1% của năm 2017). Sản lượng thủy sản ước tăng 3,2%, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 4,7% sản lượng thủy sản khai thác chế biển tăng 2,3%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% (cao gấp 6 lần mức tăng cùng kỳ năm 2017). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% và xuất siêu trên 1,08 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua.

Thu hút khách quốc tế ước đạt 2.862,1 nghìn lượt người, tăng 29,7% và mức tăng được ghi nhận ở tất cả các nguồn khách và kênh vận chuyển, trong đó khách từ châu Á tăng 35,8%,  từ châu Âu tăng 16,7%, từ châu Mỹ tăng 11,4%, từ châu Úc tăng 14,1%, và từ châu Phi tăng 22,4%. Lượng khách đi máy bay tăng nhanh, năng lực vận chuyển hàng không cũng được cải thiện rõ rệt. Riêng dịp Tết Mậu Tuất, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 4 triệu lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ đầy chuyến tuyến TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội từ 90-99%.

Cả nước có tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động là  25,6 nghìn doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đều tăng trên các địa phương và tổng cộng đạt tới 18.703 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% số doanh nghiệp và tăng 29,3% vốn đăng ký. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng 6%. Vốn FDI  thực hiện  tăng 9,7% và vốn góp, mua cổ phần tăng vọt tới 102,5%, báo hiệu một năm tiếp tục khởi sắc nóng cho thị trường chứng khoán Việt.

Kinh tế phát triển, sức mua thị trường mở rộng hơn, giá cả nhìn chung ổn định (Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2018 tăng 2,9%). Công tác chuẩn bị và đón Tết lành mạnh được triển khai chu đáo. Cả nước chỉ có 40,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 149 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 50%. Các đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng cũng bớt nóng hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới, với việc ban hành một loạt nghị quyết và quyết định của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; về quản lý an toàn thực phẩm, về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, tháo bỏ những rào cản điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, xiết chặt kỷ cương công vụ…

Đặc biệt, kỳ tích, giành ngôi Á quân tại Giải vô địch U23 châu Á của Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam là điểm nhấn chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam và dư âm của sự kiện này cũng là khởi đầu tích cực cho năm mới 2018.

 Cơ hội sáng từ các hiệp định thương mại

Ngoài ra, nhiều cơ sở thuận lợi để tin rằng năm 2018 – 2019 sẽ có thể ký kết các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)…Từ đó, mang đến nhiều cơ hội mới, mở ra không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…

Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile.(Nguồn: Santiagotimes)

Kế thừa tinh thần và những tư tưởng vượt trội của TPP, được thiết kế toàn diện, chất lượng cao và trên cơ sở tự nguyện, cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước, chiếm đến 13,5% tổng GDP toàn cầu và  khu vực tự do thương mại lớn thứ 3 thế giới, CPTPP sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các nước tham gia dù đã tạm hoãn thực thi 20 điều khoản so với TPP (phần văn bản gốc của TPP vẫn được kèm vào trong phụ lục của CPTPP. Trong số các điều khoản bị tạm ngưng có 11 điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, vốn là các điều khoản Mỹ yêu cầu đưa vào, 9 điều khoản còn lại nằm ở các khu vực như đầu tư, dịch vụ tài chính, bản quyền, viễn thông và đấu thầu. Các điều khoản này chỉ được kích hoạt lại về sau với sự đồng ý của 11 nước).

CPTPP khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; giúp Việt Nam tăng từ 1-3% GDP vài năm 2030 và nhất là tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn và thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển; gia tăng động lực và tốc độ phát triển kinh tế, cũng như thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên khi CPTPP mở rộng thành viên. Là thành viên sáng lập, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

CPTPP thực sự là kết quả sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua chính mình của 11 thành viên TPP, khẳng định sự đúng đắn và xu hướng tiếp tục của tự do hóa thương mại đầu tư quốc tế sau khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP và gia tăng các động thái bảo hộ, gây nhiều quan ngại và sự phản đối trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ. CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự cấp thiết và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.

CPTPP là dạng hiệp định mở, bất cứ nước nào mong muốn tham gia đều được hoan nghênh. Thực tế cho thấy, chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” không phải là một nước Mỹ cô lập, mà luôn cần thu hút đầu tư nước ngoài và khai thác thị trường quốc tế để tiếp tục phát triển và cải thiện việc làm. Tham gia TPP hay CPTPP và thị trường châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn luôn có lợi cho kinh tế và tạo lập đồng minh chiến lược đối với Mỹ. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ Trump đã hơn một lần tuyên bố để ngỏ khả năng tham gia trở lại TPP, dù nhấn mạnh cần điều kiện thương lượng mới có lợi hơn cho Mỹ (tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 01/2018 và tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23/02/2018); Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ cũng phát tín hiệu về khả năng quay lại TPP trong bối cảnh mới. Thậm chí, 25 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ còn ký “tâm thư” kêu gọi Tổng thống quay lại đàm phán TPP.

Những động thái Mỹ có thể quay lại TPP và triển vọng tham gia CPTPP của Anh và Hàn Quốc đang dần hiện hữu. Thúc đẩy ký kết, thực thi và khai thác CPTPP, cùng với các FTA khác, được kỳ vọng sẽ kéo theo những chuyển dịch mới cả về kinh tế và địa chính trị khu vực và thế giới…!

Những tín hiệu vui đầu Xuân mới nêu trên cho phép chúng ta củng cố lòng tin, quyết tâm và cả sự quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai hành động, tăng cường năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường nhanh nhạy, hiệu quả hơn ở mọi cấp, mọi ngành và mọi  địa phương, hướng tới những thành công mới và triển vọng tích cực no ấm và vui tươi hơn của năm 2018, năm của “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh và giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo đảm ổn định vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước…!

TS Kinh tế. Nguyễn Minh Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here