Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ hai vừa diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia), với sự tham dự của Người đứng đầu Chính phủ, Lãnh đạo Cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018-2022
Với chủ đề “Dòng sông hoà bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất (tháng 3/2016) và thảo luận các phương hướng hợp tác thời gian tới. Hội nghị đánh giá, sau 2 năm hoạt động, hợp tác Mekong-Lan Thương đã có những bước tiến quan trọng cả về xây dựng cơ chế hoạt động và triển khai dự án cụ thể. Một số kết quả chính đáng chú ý như: Hoàn thành nhiều dự án thu hoạch sớm, thành lập các trung tâm hợp tác về môi trường, nguồn nước và nghiên cứu Mekong; hình thành và vận hành Quỹ đặc biệt MLC.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, nói: “Chúng ta đã chọn chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững”, để thấy các nước phải cùng tiến lên phía trước chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích. Điều này cũng phù hợp với các giá trị phối hợp, tự nguyện, theo nguyên tắc nhất trí, bình đẳng chung của LHQ”.
Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà Lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mekong-Lan Thương hoà bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hợp tác MLC cũng cần phối hợp hài hoà với các chương trình/kế hoạch phát triển như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc tế Phát triển bền vững và cũng như các sáng kiến liên kết khu vực.
Các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh và Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018-2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh-chính trị; kinh tế và phát triển bền vững; xã hội, văn hoá và giao lưu nhân dân. Trên cơ sở đó, các Nhóm công tác chuyên ngành sẽ xây dựng kế hoạch hành động riêng cho lĩnh vực ưu tiên gồm nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất và hợp tác kinh tế qua biên giới. Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh danh sách 214 dự án MLC do các nước thành viên đề xuất và nhất trí từng bước mở rộng hợp tác sang các dự án lớn của tiểu vùng trên cơ sở tận dụng tối đa Quỹ đặc biệt MLC và các nguồn tài chính huy động từ Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế.
Về hợp tác nguồn nước, các nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước thông qua các hoạt động như: Đối thoại chính sách (như tổ chức định kỳ Diễn đàn hợp tác nguồn nước MLC); xây dựng và cải thiện hệ thống theo dõi chất lượng nguồn nước; chia sẻ thông tin và số liệu thuỷ văn; hợp tác kỹ thuật, triển khai các nghiên cứu chung và các dự án thí điểm liên quan đến nguồn nước sông Mekong-Lan Thương; nâng cao năng lực trong quản lý nước; hợp tác trong quản lý lũ lụt và hạn hán và nghiên cứu sớm thiết lập đường dây liên lạc trong các tình huống khẩn cấp. Các nhà Lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về môi trường, đặc biệt chú trọng giảm thiểu rủi ro môi trường trong hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp.
Đề xuất thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương đã được đưa ra từ Hội nghị cấp cao lần thứ nhất và được các nhà lãnh đạo 6 nước nhất trí thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong – Lan Thương.
Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Mekong – Lan Thương là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
3 đề xuất của Việt Nam
Với vai trò là thành viên chủ động, tích cực trong cơ chế hợp tác, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác Mekong – Lan Thương và đã đề xuất các dự án có lợi ích thiết thực, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong – Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng. Các đề xuất và đóng góp của đoàn Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và đóng góp của Việt Nam vào hợp tác MLC trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc, mục tiêu quan trọng mà hợp tác cần bảo đảm để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Về hợp tác 5 năm tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ba nội dung.
Thứ nhất, chú trọng tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, đưa hợp tác nguồn nước trở thành một trọng tâm hợp tác giữa 6 nước. Các ưu tiên trước mắt gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thuỷ văn; hợp tác ứng phó với hạn hán, lũ lụt; tiến hành các nghiên cứu khoa học chung; và nghiên cứu xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Lan Thương-Mekong.
Thứ ba, hỗ trợ các nước Mekong-Lan Thương tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở: (i) Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hoá tại các nước thành viên; (ii) phát triển lực lượng doanh nghiệp và đào tạo lao động có chất lượng; thu hút nguồn lực hướng vào phát triển hạ tầng và tạo điều kiện cho các dự án phát huy tiềm năng, thế mạnh, giải quyết việc làm cho người dân; (iii) tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.Thứ hai, phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và kết nối để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, dịch vụ, dòng vốn và đi lại của người dân.
Chu Văn