Cập nhật ngày làm việc thứ 7 Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan

0
118
Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế.
Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế.

Ngày 24/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ ba (SOM 3) và các cuộc họp liên quan tiếp tục với 12 hoạt động của các Nhóm Công tác về Y tế (HWG), Nhóm Chuyên gia về Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPEG), Ủy ban Kinh tế (EC), Nhóm Đối thoại về Hóa chất (CD), Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Nhóm Công tác về Di chuyển Doanh nhân (BMG) và Ủy ban Chỉ đạo SOM về Hợp tác Kinh tế (SCE).

Huy động tốt các nguồn lực phục vụ chăm sóc sức khỏe

Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế đã có ngày làm việc thứ hai. Các phiên toàn thể đã thảo luận các vấn đề: giải quyết sự thiếu hiệu quả trong hệ thống y tế nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực; đầu tư hiệu quả cho y tế và phúc lợi của trẻ vị thành niên; thúc đẩy triển khai Lộ trình vì một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 thông qua hợp tác công – tư. Các kết quả của Cuộc họp sẽ được đưa vào Tuyên bố chung và khuyến nghị gửi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017 tại Thành phố Hội An, và báo cáo các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo APEC tại Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 tại Thành phố Đà Nẵng.

Thông tin về kết quả cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn cho biết, Cuộc họp đã đi đến kết luận: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính; Khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế; Nguồn tài chính công từ ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đóng vai trò quan trọng, có thể mang lại tiết kiệm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ y tế.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, các thành viên nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020 (HAP2020), khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn khu vực. Cuộc họp cũng thảo luận một số sáng kiến và hợp tác đang được triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra; trong đó, để thực hiện các sáng kiến này, cần tăng cường phối hợp đa ngành, kết hợp công – tư.

Chiều cùng ngày, Nhóm công tác về Y tế (HWG) đã tổ chức Đối thoại chính sách APEC về HPV và ung thư cổ tử cung và Hội thảo của nhóm chuyên gia APEC về ung thư cổ tử cung, với sự tham dự và phát biểu của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thực trạng về ung thư cổ tử cung, đồng thời chia sẻ những biện pháp nhằm giảm sự lây lan của vi-rút HPV và sự phát triển của ung thư cổ tử cung.

Thu hẹp khoảng cách với vùng sâu, vùng xa

Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế (SCE) đã tổ chức Đối thoại chính sách về thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập kinh tế của các vùng sâu vùng xa vì phát triển bền vững trong APEC. Hội thảo này là sáng kiến của phái đoàn các quan chức cao cấp (SOM) APEC của Nga. Việt Nam rất quan tâm về chủ đề này và tham gia với mong muốn tìm hiều những bài học kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC.

Hội nghị đã nghe những ý kiến, kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế tại vùng sâu, vùng xa của Australia; bài học, ví dụ về ưu tiên của xã hội và phát triển kinh tế ở vùng Viễn đông của Nga; phát triển cộng đồng bền vững dựa trên việc ứng dụng đầy đủ học thuyết về kinh tế; những chính sách hiện tại của Indonesia trong việc thúc đẩy sự phát triển bình đẳng…

Trưởng phái đoàn các quan chức cao cấp (SOM) APEC của Nga Valery Sorokin cho biết, SCE hoan nghênh các ý kiến, kinh nghiệm mà các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ tại hội thảo này, nhằm tìm ra các giải pháp giải quyết những thách thức về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa. Các thành viên của APEC sẽ tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết những thách thức về dân số và việc làm, các chính sách cộng đồng để xúc tiến hoạt động kinh tế và tăng trưởng tại vùng sâu, vùng xa. Sau hội thảo này, các bên tham gia sẽ xác định ra những nền tảng cho một bản kế hoạch chi tiết cho những hành động trong tương lai.

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh

Trong ngày làm việc thứ 7 tại SOM 3, Ủy ban kinh tế tiến hành Hội thảo về đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh APEC. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã giúp các thành viên APEC hiểu những yêu cầu để thực hiện cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp.

Tại hội thảo, một số đại biểu, diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã trình bày, giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế trong việc đơn giản hoá thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh; cập nhật những thông tin mới nhất về các mô hình thực hành tốt, những chính sách, văn bản luật mới liên quan đến việc đơn giản hoá thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp ở các nền kinh tế thành viên…

Nội dung của hội thảo có ích đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mà đang chiếm số lượng lớn tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp này luôn gặp khó khăn trong việc khởi nghiệp, bởi bị “bủa vây” về những thủ tục, giấy phép khi khởi nghiệp.

Điều này không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà là khó khăn của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp là vấn đề quan trọng trong sự phát triển chung của các nền kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của APEC Rory McLeod cho biết, thứ hạng của các nền kinh tế không phải là điều quá chú trọng, vì mục tiêu chung của APEC là giúp đỡ và cùng nhau phát triển. Tuy vậy, sự chênh lệch về quy mô, năng lực ở các doanh nghiệp lại khá quan trọng và dĩ nhiên, các doanh nghiệp có thứ hạng cao sẽ được lợi nhiều hơn. Do đó, các nền kinh tế cần tham gia mạnh mẽ vào quá trình cải cách này trong khu vực để cùng nhau giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực cũng như nền kinh tế nội địa.

Tăng cường hợp tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Trong khuôn khổ Nhóm Chuyên gia về Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPEG) đã diễn ra Hội thảo về “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới: vấn đề hàng giả vi phạm nhãn hiệu”. Hội thảo đã làm rõ tác hại của việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đối với các thương hiệu, nhãn hàng, khách hàng mà còn đối với cả các nền kinh tế. Các đại biểu đến từ các cơ quan hải quan đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát hiện hàng giả, cách thức giám định những nhãn hiệu dễ bị nhầm lẫn, dễ bị làm giả. Hội thảo khép lại với đồng thuận về việc xây dựng  kế hoạch hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các văn phòng kiểm định sở hữu trí tuệ, hải quan và khu vực tư nhân.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện Việt Nam đang xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Hải quan trong khuôn khổ của TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ). Tuy nhiên, các yêu cầu cao hơn hiện nay (về sở hữu trí tuệ) lại nằm ngoài TRIPS nên rất có thể vấn đề này sẽ nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta thực hiện. Do vậy, Hội thảo là cơ hội để chúng ta nhìn lại khi phải đối mặt với những yêu cầu cao về sở hữu trí tuệ, để có thể sẵn sàng có những biện pháp thực hiện thời gian tới.

Trong ngày làm việc này, Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) đã tiếp tục ngày làm việc  thứ hai. Các đại biểu chú trọng  đề xuất các biện pháp  phối hợp với  các ủy ban, tiểu ban, nhóm làm việc khác của APEC thông qua Chương trình hành động Boracay năm 2015. Hội nghị cũng đã thảo luận về các chính sách nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ ở các nền kinh tế cũng như chính sách nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhóm Đối thoại về Hóa chất (CD) tổ chức phiên họp toàn thể, thảo luận các  kết quả đạt được đến nay trong triển khai các ưu tiên của Năm APEC 2017 và Ủy ban APEC về Thương mại và Đầu tư, bao gồm: ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hội nhập kinh tế khu vực; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại; và thúc đẩy phát triển sáng tạo và các sáng kiến “đi tắt đón đầu” khác.

Nhóm Công tác về Di chuyển Doanh nhân (BMG) đã có phiên họp toàn thể, trong đó, các đại biểu, sau khi xem xét lại những báo cáo, đã tập trung thảo luận về Tương lai của thuận lợi hóa di chuyển và di chuyển của các doanh nhân.

Trong chương trình làm việc, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tiến hành ba hoạt động trong ngày 24/8: Hội thảo về các tiêu chuẩn quảng cáo, Cuộc họp của Nhóm bạn của Chủ tịch về thuận lợi hóa thương mại, và Cuộc họp của Nhóm bạn của Chủ tịch về Khu vực thương mại tự do toàn Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here