Tăng cường An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu

0
646
Đại biểu các nền kinh tế APEC đi khảo sát thực tế tại Cần Thơ.
Đại biểu các nền kinh tế APEC đi khảo sát thực tế tại Cần Thơ (Nguồn: BTK Quốc gia APEC).

Từ ngày 21 – 25/8, Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thuộc khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra tại Cần Thơ. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Ban Thư ký APEC tổ chức, với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Trong tuần làm việc này, các quan chức SOM và chuyên gia, học giả đã tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững như: Hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững” do Trung tâm Khí hậu APEC chủ trì (PPSTI); Hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC” do Nhóm công tác về chính sách an ninh lương thực chủ trì (PPFS); Hội thảo “Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số” do Nhóm công tác về công nghệ sinh học nông nghiệp chủ trì (HLPDAB)…

Sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững

Tại các cuộc Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu; quản lý tài nguyên nước và những thách thức với các nền kinh tế trong khu vực; tác động của thời tiết và khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng, làm thế nào để thông tin thời tiết, khí hậu được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp bền vững; ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp trong sản xuất…

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững”, Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành, Trung tâm Khí hậu APEC đã đề cập tới việc phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu để phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế APEC.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng “An ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu” và nhấn mạnh về sự cần thiết “hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn hỗ trợ an ninh lương thực trong khu vực”.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp rất “nhạy cảm” với thời tiết, vì vậy việc xây dựng và sử dụng thông tin khí hậu để dự báo cho ngành nông nghiệp là rất cần thiết. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ cho rằng “Tìm ra giải pháp tích hợp các thông tin về khí hậu vào chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, giúp các nền kinh tế đạt được mục tiêu phát triển bền vững”.

Vai trò lớn của doanh nghiệp nhằm bảo đảm An ninh lương thực

Tiếp tục ngày làm việc thứ 7 thuộc Tuần lễ An ninh lương thực là cuộc Đối thoại giữa các Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên APEC và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc Đối thoại. Cùng dự có Bộ trưởng và một số lãnh đạo các Bộ phụ trách về nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC. Khoảng 150 đại biểu đại diện của các nền kinh tế APEC đã tham dự Đối thoại.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tổ chức cuộc Đối thoại này, giúp khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Nathan M. Belete, Giám đốc Phụ trách Nông nghiệp vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù trong thời gian qua, các nền kinh tế trong khu vực đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ổn định sản lượng và chất lượng chuỗi thực phẩm của khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng thực tế cho thấy các nỗ lực này là chưa hiệu quả. Toàn thế giới có hơn 2 tỉ người không đủ dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày, trong đó gần 200 triệu trẻ em bị còi cọc, suy dinh dưỡng nặng; trong khi đó tình trạng lãng phí lương thực, tài nguyên tại các nước phát triển vẫn chưa được cải thiện.

Như vậy, vấn đề đặt ra là mọi nỗ lực của các Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp nếu hoạt động riêng rẽ sẽ khó có thể tạo ra sức mạnh tổng thể và bền vững để tạo ra động lực thực hiện các mục tiêu chung hoặc tạo ra hiệu ứng xã hội cần thiết trong công tác bảo tồn tài nguyên khu vực.

Theo bà Anne Ruston – Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia, một trong những giải pháp điển hình cho vấn đề này chính là phát triển hình thức hợp tác công tư nhằm vận động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý giúp giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Bà Anne Ruston nhấn mạnh, không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mọi nỗ lực của các Chính phủ sẽ trở nên đơn độc, không phát huy được sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực huy động nguồn lực xã hội. Australia chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực tư nhân, doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế thành đối tác chính của Chính phủ trong công tác bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên thích ứng biến đổi khí hậu và mong muốn được hỗ trợ, đồng hành cùng các nền kinh tế khu vực phát triển hình thức hợp tác này.

Tương lai cho Nông nghiệp Việt Nam

Trao đổi về định hướng của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn đó là: Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Để đối phó với những thách thức trên, duy trì sự phát triển và nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đối khí hậu. Trong tiến trình phát triển này doanh nghiệp có vai trò quan trọng, giúp huy động được mọi nguồn lợi xã hội bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm, giảm thất thoát và lãng phí lương thực…

Một giải pháp triển vọng khác, theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lavifood (Việt Nam) chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong canh tác; qua đó cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Không những vậy, hiệu ứng nhà kính với các môi trường nhân tạo được tạo ra còn có thể giúp nông dân tránh được các rủi ro thời tiết, sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị đất đai, thị trường được mở rộng.

Mặt khác, môi trường nhân tạo thích hợp với các giống cây trồng mới có sức chịu đựng sự bất lợi của thời tiết cao hơn đồng thời cũng sẽ chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Điều này thích hợp với các vùng đất khô cằn không thuận với sản xuất nông nghiệp như vùng trung du, miền núi, vùng bị sa mạc hoá ở Việt Nam. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng chia sẻ: Công ty cổ phần Lavifood trong những năm qua đã xây dựng nhiều mô hình điểm nông nghiệp công nghệ cao cùng các nhà máy chế biến, đóng hộp sản phẩm trái cây áp dụng kỹ thuật hiện đại tại các tỉnh khu vực miền Nam như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh với tổng năng suất tăng gần gấp đôi và công suất thành phẩm lên đến hàng trăm nghìn tấn sản phẩm/năm và đang xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cũng đề xuất phương hướng vận hành sản xuất nông nghiệp lấy thị trường làm chuẩn, bởi mỗi thị trường lại hướng đến một tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm khác nhau. Nắm bắt được thị trường mình muốn hướng đến, doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể tạo ra giá thu mua tốt nhất cho nông dân, đồng thời đàm phán hiệu quả với các nhà cung cấp để hỗ trợ nông dân về giống, công nghệ, tài chính, phân bón và quan trọng nhất là các mô hình sản xuất tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm nước và năng lượng; qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất mà vẫn đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Trong ngày 24/8, gần 300 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia chương trình tham quan thực địa Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, Cần Thơ; mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Viện nghiên cứu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long và Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ. Các đại biểu đã có dịp tìm hiểu về mô hình điển hình của đầu tư tư nhân, kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp hướng tới đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững; khả năng và cam kết cung cấp cá tra, cá basa chất lượng cao, an toàn, bổ dưỡng, được nuôi theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế; về khả năng của Việt Nam trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và sản xuất kinh doanh về cây lúa và hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khả năng liên kết với nông dân để trực tiếp sản xuất, chăm sóc, bảo quản, chế biến, đóng gói sản phẩm và trực tiếp cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trung Kiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here