Ngày 19/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ hai với 12 hoạt động của Tiểu ban về thủ tục hải quan (SCCP), Đối thoại về công nghiệp ô tô (AD), Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI), Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Nhóm công tác về giao thông (TPTWG), Nhóm công tác về chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp (EGILAT), Nhóm công tác chống khủng bố (CTWG), Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống (LSIF), và Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG).
Hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia
Phát biểu tại cuộc họp phiên toàn thể của Nhóm SCCP, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định thành công của cuộc họp SCCP lần thứ nhất tổ chức vào tháng 2 tại Nha Trang, đã thúc đẩy triển khai toàn diện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như việc xem xét khả năng và các điều kiện thực tế thực hiện Sáng kiến kết nối cơ chế một cửa quốc tế trong APEC.
Tại đây, các thành viên nhất trí tiếp tục hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia và nỗ lực xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại các nền kinh tế thành viên, nỗ lực hợp tác và ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau để thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu dài hạn của APEC về thuận lợi hóa thương mại ở khu vực.
Loại bỏ nơi trú ẩn an toàn của tham nhũng
Trong ngày thứ hai cuộc họp Nhóm CTWG, các đại biểu đã trao đổi về các thách thức và thảo luận các biện pháp chống khủng bố trong khu vực. Cuộc họp cũng thảo luận về các hoạt động hợp tác chống khủng bố tại các diễn đàn quốc tế khác như Liên hợp quốc và Nhóm Hành động Tài chính. Các đại biểu cũng lắng nghe báo cáo cập nhật của INTERPOL về các hoạt động liên quan chống khủng bố.
Tại Đối thoại về chống buôn lậu và tham nhũng của Nhóm ACTWG, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm và các điển hình về chống tham nhũng của các cơ quan hải quan trong buôn bán lâm sản. Đối thoại sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 20/8, thảo luận về các vấn đề liên quan đến vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Cũng liên quan tới chống tham nhũng, nhóm ACT-NET đã tổ chức Hội nghị lần thứ 4 của Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật APEC. Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề chống rửa tiền, truy thu tài sản, hợp tác quốc tế trong các vụ hối lộ, hợp tác quốc tế không chính thức và dẫn độ tội phạm bỏ trốn.
Với việc đăng cai tổ chức một loạt các hoạt động về chống tham nhũng trong khuôn khổ Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực vào việc triển khai các cam kết phòng chống tham nhũng của các thành viên APEC, thúc đẩy hợp tác quốc tế để loại bỏ nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ có hành vi tham nhũng và tăng cường hành động tập thể nhằm chống buôn lậu và xóa bỏ các mạng lưới bất hợp pháp xuyên quốc gia trên toàn khu vực.
Giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Nhóm AD trong ngày đã tổ chức Hội thảo về thực thi Lộ trình APEC về xe điện. Lộ trình được thông qua năm 2015 với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến xe điện. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng của APEC nhằm thúc đẩy các nền kinh tế thành viên chuyển đổi theo hướng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Quy định điển hình trong đầu tư và thương mại
Ủy ban CTI đã tổ chức Hội thảo về các kỹ năng đàm phán về chính sách cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đàm phán, thông qua những bài học thực tiễn tại các tổ chức quốc tế như OECD.
Tại Hội thảo, các đại biểu dự Hội thảo cũng đã thảo luận về những hàm ý chính sách trong đàm phán về chính sách cạnh tranh và những vấn đề đặt ra đối với các nền kinh tế thành viên khi tham gia các FTA có các nội dung về cạnh tranh. Trong ngày, CTI cũng tổ chức Hội thảo xây dựng năng lực đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng trong khu vực APEC đang đô thị hóa nhanh chóng. Hội thảo đã đề xuất những kiến nghị về phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng và vai trò của đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng trong phát triển đô thị bền vững.
Nhóm SCSC đã tổ chức Đối thoại lần thứ 10 về các quy định điển hình. Trong gần 2 thập kỷ qua, APEC luôn tiên phong trong đối thoại về vai trò của các quy định điển hình trong đầu tư và thương mại. Đối thoại, được tổ chức trong 2 ngày, sẽ tập trung thảo luận kết quả Báo cáo cập nhật năm 2016 về quy định điển hình của các nền kinh tế APEC, đồng thời xem xét việc thực hiện các nghĩa vụ thông báo của WTO, và những kinh nghiệm điển hình nhằm tạo thuận lợi cho việc thông báo.
Trong ngày, Cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo về hài hòa hóa quy định (LSIF-HRSC) và các Hội thảo về các điển hình về chính sách, quy định và sự linh hoạt nhằm đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu (TPTWG), thúc đẩy thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thông qua khuyến khích điển hình dán nhãn điện tử (SCSC) và các điển hình chính sách hải quan nhằm xác định gỗ và các sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp (EGILAT) đã khép lại sau hai ngày làm việc.
Chu Văn