APEC bàn hướng phát triển Chuỗi giá trị thực phẩm

0
105
Các Đại biểu quốc tế tham gia Tuần lễ An ninh Lương thực trong khuôn khổ các Hội nghị SOM 3 đi khảo sát thực tế tại Cần Thơ.
Các Đại biểu quốc tế tham gia Tuần lễ An ninh Lương thực trong khuôn khổ các Hội nghị SOM 3 đi khảo sát thực tế tại Cần Thơ.

Ngày 20/8, trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ, Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS) đã tổ chức Hội thảo “Chuỗi giá trị lương thực thúc đẩy phát triển nông thôn – đô thị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”. Đây là một trong những hội thảo quan trọng trong Tuần lễ An ninh lương APEC 2017.

80% hàng nông sản APEC qua trung gian

Hội thảo xoay quanh vấn đề chia sẻ các mô hình thành công trong phát triển chuỗi giá trị thực phẩm giữa các nền kinh tế thành viên để cung cấp thực phẩm an toàn và đảm bảo an ninh lương thực cho khối APEC và toàn khu vực; đồng thời đưa ra các giải pháp để tăng giá trị cho các sản phẩm đầu ra và phân phối lợi ích một cách công bằng cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị, đặc biệt là người làm nông nghiệp.

Theo Giám đốc điều hành APEC, G7, G20, IGC (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) Shimazaki Kazuo, chuỗi giá trị thực phẩm trong nông nghiệp là một chuỗi các hoạt động tạo ra và xây dựng giá trị nông sản ở mỗi giai đoạn từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ. Sự phát triển của chuỗi giá trị thực phẩm sẽ mang lại giá trị chung cao hơn cho các mặt hàng nông sản và tăng lợi nhuận cho các bên liên quan từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm thuộc chuỗi giá trị nông sản nói chung.

Đặc biệt, chuỗi giá trị thực phẩm còn có khả năng tăng cường kết nối nông thôn và đô thị nhờ đặc tính liên hệ mật thiết trong quy trình sản xuất khép kín của thực phẩm. Cụ thể là giữa các cơ sở trồng trọt, sản xuất và chế biến nông sản ở khu vực ngoại ô với cơ sở phân phối thành phẩm và người tiêu dùng tại các đô thị lớn. Quan trọng hơn, một chuỗi giá trị thực phẩm phát triển bền vững hoàn toàn có khả năng liên kết các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông sản nhỏ, lẻ với các chuỗi giá trị khác trong khu vực và toàn cầu.

Qua tiềm năng đó, chuỗi giá trị thực phẩm mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng triệu hộ nông dân khó khăn của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC; hỗ trợ quốc gia sở tại đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra những cơ hội quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực, trong đó có phát triển đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên, muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ngành nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với không ít thách thức. Theo tham luận của Vụ trưởng, Vụ Chính sách nông nghiệp của JA-Zenchu (Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Trung ương, Nhật Bản) -Kobayashi Hirofumi, có đến 80% lượng hàng nông sản nội địa của các nền kinh tế APEC xuất ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các thương hiệu nước ngoài. Cùng với đó là rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật cùng nhiều điều kiện khắc khe khác của “sân chơi” hội nhập.  Bên cạnh đó, sự phát sinh tranh chấp thương mại, nhưng năng lực giải quyết còn thấp cũng là một trong những thách thức lớn đối với nền nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh nhận thức về luật pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và kinh nghiệm đối phó của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng tại một số quốc gia còn chưa đầy đủ.

Mở lối cho hàng nông sản khối APEC

Trong bối cảnh nêu trên, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm tạo lối mở cho hàng nông sản khối APEC tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thuận lợi trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ cấp thiết nhất là đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”; kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó. thiết lập chuỗi liên kết trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nông dân, các nhà khoa học và Chính phủ.

Bên cạnh đó, tập trung xóa bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia các Hội chợ giao thương để tăng cường quan hệ kinh doanh với các nhà bán sỉ và lẻ; xúc tiến việc đưa sản phẩm tươi ngon trực tiếp đến tay người tiêu dùng qua các kênh quảng bá; gặp gỡ trực tiếp người mua, tiếp nhận đóng góp, phê bình và phát triển mạng lưới hoạt động với các nhà sản xuất khác.

Trung Kiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here