Tình hình xuất khẩu dịch vụ trên thế giới và tại Việt Nam

0
299

Xuất khẩu dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế của một quốc gia. Ở các nước phát triển, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 60% trong cơ cấu GDP, chỉ tiêu này đạt khoảng 50% ở các nước đang phát triển, nhưng trong năm 2022, khu vực dịch vụ chỉ chiếm 41.33% trong cơ cấu GDP của Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2023). Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cao sẽ tạo nên thặng dư thương mại, giảm nhập siêu, mở rộng không gian kinh tế của doanh nghiệp ra ngoài biên giới. Một quốc gia muốn phát triển bền vững cần tiến tới chiến lược phát triển xuất khẩu dựa vào xuất khẩu dịch vụ , do nó là kết quả của nền kinh tế tri thức với hàm lượng chất xám cao, giúp gia tăng giá trị cho hàng hóa.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc đã khởi tạo nên một sự dịch chuyển mạnh mẽ người lao động sang công việc lấy khách hàng là trung tâm, hay sự dịch chuyển từ nông nghiệp và công nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí, tăng năng suất làm việc, từ đó phát sinh nhiều dịch vụ phục vụ các nhu cầu ngày càng nhiều của con người.

Cuộc Cách mạng 4.0 lan tỏa đã mở ra nhiều cơ hội về việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn cho Việt Nam, cùng với việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và Hiệp định Thương mại Tự do EU – VN (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Thời đại số đã thu hẹp phạm vi giữa thế giới thực và thế giới ảo, gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với các dịch vụ xuất khẩu , điển hình như học trực tuyến từ xa.

Trước nay xuất khẩu dịch vụ chủ yếu do các nước giàu tiến hành, nhân sự từ các nước phát triển sang các thị trường mới nổi để điều hành, huấn luyện, quản lý. Mặc dù Trung Quốc đã vượt Mỹ về xuất khẩu hàng hóa từ năm 2009, Mỹ vẫn đang xuất khẩu dịch vụ nhiều hơn đến 2,5 lần. Ngay cả nước Anh, đã tụt xuống hạng 14 trên toàn cầu khi nói đến xuất khẩu hàng hóa, vẫn đứng thứ nhì về xuất khẩu dịch vụ.
Tuy nhiên hiện nay các nước đang phát triển đang phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp có thể xuất đi các nước. Nhiều nước xuất khẩu các dịch vụ nghe nhìn, tin học và viễn thông. Ở các nước như Bulgaria, Estonia, Latvia, Moldova, Romania và Ukraine, xuất khẩu dịch vụ chiếm trên 3% GDP.
Ấn Độ là nước châu Á có thành tích tốt nhất trong lĩnh vực này; xuất khẩu dịch vụ của nước này gần bằng 3% GDP. Với một nước có quy mô như Ấn Độ, đây là một mức rất lớn; năm công ty công nghệ thông tin lớn nhất có tổng giá trị vốn hóa đến 350 tỉ đô la. Ấn Độ có hơn 1.600 trung tâm năng lực toàn cầu, tức là các trung tâm công nghệ và nghiên cứu cho các hãng đa quốc gia, tuyển dụng hơn 3 triệu người. Tính chung, xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ chiếm 5% tổng kim ngạch của toàn thế giới, tăng từ mức 3% cách đây 10 năm.
Ngoài công nghệ thông tin, lĩnh vực thu hút xuất khẩu dịch vụ khác gồm các loại hình như kế toán, quản lý nhân sự, nói chung là các dịch vụ liên quan đến thương mại, kỹ thuật và kinh doanh. Trong lĩnh vực này đứng đầu là Estonia và Philippines, xuất khẩu dịch vụ chiếm đến 5% GDP mỗi nước. Cũng giống như Ấn Độ, điểm thu hút là giá nhân công rẻ, đội ngũ nhân lực biết nói tiếng Anh đông.
Ở các nước khác, xuất khẩu dịch vụ có thể là hình thức nhân lực nước này nhận công việc làm qua mạng từ nước khác, như dịch thuật, đồ họa, nhập dữ liệu… Loại hình này khó đo lường hơn nhưng đến hai phần ba các người làm việc tự do trên các nền tảng hoạt động bằng tiếng Anh như Upwork hay Fiverr đến từ các nước đang phát triển.
Du lịch cũng được tính là xuất khẩu dịch vụ, nhất là các loại hình du lịch chữa bệnh gồm dịch vụ nha khoa, thay khớp háng, cấy tóc chữa hói đầu… rất thu hút khách. Các nước Costa Rica, Croatia và Moldova xuất khẩu dịch vụ y tế trị giá từ 0,2-0,5% GDP của nước họ; Armenia và Jordan còn cao hơn, mỗi nước chừng 1% GDP. Chỉ cần ngồi ở sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vài tiếng là hiểu ngay công nghệ cấy tóc cho người nước ngoài thịnh hành biết bao; du khách về nước, đầu vẫn còn quấn băng sau khi cấy tóc.
Tuy nhiên về dài hạn, AI (trí tuệ nhân tạo) có thể gây ra nhiều vấn đề cho việc xuất khẩu dịch vụ. Một báo cáo của Capital Economics, một hãng tư vấn cho rằng AI sẽ dẫn đến cái chết từ từ của ngành xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ, mỗi năm lấy đi chừng 0,3-0,4% tăng trưởng của khu vực này trong vòng 10 năm tới. Sự phổ biến của công nghệ kết nối tạo điều kiện cho việc xuất khẩu dịch vụ – các tiến bộ công nghệ gần đây lại có thể trói chân sự phát triển của lĩnh vực này.
Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây quay sang chính sách bảo hộ cho sản xuất trong nước, các nước đang phát triển phải tìm con đường khác để tăng trưởng. Xuất khẩu dịch vụ, mặc dù có những hạn chế như ít tạo ra việc làm, vẫn là con đường phát triển đáng lưu ý. Nếu ngày xưa đó là nỗ lực đưa người lao động từ nông trại ra nhà xưởng thì nay là trao cho họ các công cụ công nghệ để xuất khẩu sức lao động của họ ra thế giới.

Thực trạng xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2012-2019, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng liên tục, từ 9.62 tỷ USD năm 2012 lên 20.42 tỷ USD năm 2019 (gấp 2.1 lần), trung bình cả giai đoạn đạt hơn 11%. Có thể nói, năm 2020 và 2021 là 2 năm đầy thách thức đối với thể giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Về cơ cấu xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam, giai đoạn 2012 – 2019, DV du lịch luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, dao động từ 55 – 72%. Kim ngạch xuất khẩu du lịch của Việt Nam sau khi gia nhập WTO không ngừng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đã tăng 2.66 lần, từ 4,450 tỷ USD năm 2010 lên 11,830 tỷ USD năm 2019.

Xuất khẩu dịch vụ vận tải cũng đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ở nước ta, trung bình hơn 20% trong suốt giai đoạn 2012-2019, đứng thứ 2 sau xuất khẩu du lịch. Xuất khẩu dịch vụ vận tải có mối liên hệ mật thiết với vận chuyển và luân chuyển hàng hóa và hành khách quốc tế. Do đó, xuất khẩu dịch vụ vận tải của Việt Nam tăng trưởng song song với xuất khẩu dịch vụ du lịch. Cùng với số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, uy tín của các hàng không Việt Nam dần được củng cố.

Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu dịch vụ còn quá nhỏ. Cơ cấu xuất khẩu dịch vụ tiềm ẩn mối nguy lớn, nhiều loại hình dịch vụ chưa phát huy hết tiềm lực. Sau khi tham gia vào GATS, dịch vụ của Việt Nam được phân rõ ràng thành 11 loại nhưng chỉ có 6/11 loại được thống kê. Bên cạnh đó, sự non trẻ và yếu kém của các loại hình dịch vụ Việt Nam tạo nên rào cản cho thị trường xuất khẩu. Mặc dù tăng trưởng liên tục trong nhiều năm nay nhưng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước đang phát triển, đạt 41.33% năm 2022. Việt Nam liên tục xuất siêu hàng hóa 7 năm liên tiếp, kể cả 2 năm 2020 và 2021 đầy thách thức, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn luôn đạt mức dương. Ngược lại, cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam luôn duy trì con số âm. Loại hình dịch vụ xuất siêu duy nhất trong cơ cấu là du lịch, đạt xuất siêu trung bình 7.5 nghìn tỷ USD giai đoạn 2010-2019 (Tổng cục Thống kê, 2020).

Một số biện pháp thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ ở Việt Nam

Thứ nhất, cơ cấu lại ngành dịch vụ, phát huy hết tiềm lực kinh tế. Như đã phân tích, một trong những hạn chế của hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào du lịch. Nhưng thực tế cho thấy, ngành Du lịch của Việt Nam cũng chưa thực sự tăng trưởng mạnh và cạnh tranh với các nước khác trong và ngoài khu vực. Do đó, việc cơ cấu lại các ngành dịch vụ là nhu cầu cấp thiết trong việc giảm thiểu thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ. Cụ thể là thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ có hàm lượng tri thức cao như tài chính, logistics, giáo dục, bưu chính, viễn thông, y tế hay bảo hiểm, đặc biệt là DV máy tính và thông tin. Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu các loại hình dịch vụ chưa phát triển để đa dạng hóa danh mục, phát triển tối đa 11 loại hình trong phân loại của WTO.

Thứ hai, lấy công nghệ thông tin làm đòn bẩy để phát triển dịch vụ thời đại kỹ thuật số. Cụ thể đối với lĩnh vực du lịch, tất cả các khía cạnh của du lịch, bao gồm dịch vụ cung cấp chỗ ở, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tour hay dịch vụ vận tải, đều có thể phát triển tốt dựa vào công nghệ kỹ thuật số, giúp giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của XK du lịch nước ta.  Đối với lĩnh vực logistics và vận tải, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho chi phí logistics được giảm xuống, quản lý tích hợp được cả chuỗi dịch vụ mà không rời rạc như hiện tại, từ đó tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường liên kết với thương mại điện tử để đưa E-logistics vào hoạt động cùng với những công nghệ tự động trong kho bãi như robot, xe chuyển hàng tự động; ứng dụng hiện đại như ứng dụng quét mã vạch, ứng dụng mapping hay direction routing.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, bao gồm: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ tư, đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here