

Việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 8% năm 2025 đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng truyền thông và cơ quan nghiên cứu uy tín như Reuters, Bloombergs, Tân Hoa Xã, HSBC, Standard Chartered, Oxford Economics… với một số nhận định đáng chú ý
Về triển vọng tăng trưởng, nhiều hãng truyền thông và cơ quan nghiên cứu nhận định Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng năm 2025 và một vài năm tới. ADB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam lên 6,4%, trong khi Standard Chartered Bank và HSBC dự báo các mức tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7%.
Oxford Economics tin tưởng Việt Nam là nền kinh tế nổi bật (standout) trong nhóm ASEAN – 6, với tốc độ tăng trưởng cao nhất khối trong năm 2025 và những năm tiếp theo. ADB tin tưởng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới là “rất khả quan” (very positive).
Về các động lực tăng trưởng kinh tế, ADB đánh giá cao vai trò của ổn định kinh tế vĩ mô và các nhân tố nội tại như đầu tư và tiêu dùng tại Việt Nam. Nền tảng vĩ mô vững chắc, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định và tỷ lệ nợ/GDP thấp tạo dư địa chính sách tài khóa để Chính phủ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm tăng chi tiêu của Chính phủ.
Oxford Economics nhận định ngành chế tạo của Việt Nam tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng, nhất là hoạt động lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chíp bán dẫn. Trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi công nghệ, mặc dù tác động tích cực có thể giảm so với năm 2024 khi ngành công nghệ toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Thương mại sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng của Việt Nam, tuy nhiên các cơ quan nghiên cứu lưu ý triển vọng thương mại năm 2025 có thể chịu tác động bởi điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Theo đó, ADB và một số cơ quan tư vấn khuyến nghị Việt Nam chú trọng hơn nữa động lực tiêu dùng trong nước. Trang tin Vietnam Briefing nhận định các biện pháp của Chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng và Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, với điểm nhấn về khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Oxford Economics nhận định mức tăng lương tại Việt Nam sẽ có hiệu ứng tích cực đối với tiêu dùng trong nước.
Về một số vấn đề cần lưu ý, Oxford Economics dự báo FDI vào Việt Nam có thể tạm thời chững lại trong nửa đầu năm 2025 trong bối cảnh các nhà đầu tư xem xét tác động của các biện pháp điều chỉnh chính sách thương mại của Mỹ và các nền kinh tế lớn. Ngành bất động sản được nhận định sẽ tiếp tục đối mặt thách thức trong năm 2025 và việc xử lý nợ xấu trong ngân hàng và bất động sản sẽ cần thời gian.
Standard Chartered Bank khuyến nghị các cơ quan điều hành chính sách của Việt Nam xem xét một số biện pháp thận trọng do lạm phát có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2025, bao gồm biện pháp điều chỉnh lãi suất phù hợp của Ngân hàng Nhà nước. Điều chỉnh lãi suất đồng USD tại Mỹ có thể tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam do mức lãi suất thấp sẽ hạn chế khả năng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi khu vực. Standard Chartered cho rằng thặng dư thương mại và các nguồn thu ngoại tệ từ du lịch sẽ hỗ trợ tỷ giá VND, tuy nhiên mức độ dự trữ ngoại tệ cho nhập khẩu còn thấp vẫn là thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
(ĐSQVN tại Brunei)