Việt Nam, với các nhà máy lắp ráp điện tử như Samsung Electronics đang mở rộng sản xuất, được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc bù đắp cho sự suy giảm xuất khẩu của Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực chip.
Để đánh giá tác động của chính quyền Trump đối với hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc, Chosun Ilbo đã tiến hành khảo sát 129 văn phòng của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại 84 quốc gia. Kết quả khảo sát cho thấy, các thị trường ASEAN sẽ nổi lên như những lựa chọn thay thế quan trọng cho Trung Quốc và Mỹ đối với Hàn Quốc.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ kế hoạch áp thuế nặng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Trước những thách thức này, Hàn Quốc nhận định các quốc gia ASEAN sẽ trở thành điểm đến xuất khẩu tiềm năng. Theo khảo sát, một nửa số văn phòng KOTRA (50/100) cho rằng ASEAN là khu vực xuất khẩu đầy triển vọng nhất.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, vốn chiếm gần 30% tổng xuất khẩu, đã giảm xuống dưới 20% do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Bắc Kinh. Đồng thời, xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là ô tô và chất bán dẫn, có thể đối mặt với các rào cản từ thuế quan và áp lực gia tăng sản xuất nội địa.
Trong bối cảnh này, các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam với nhiều nhà máy lắp ráp điện tử, được xem là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu của Hàn Quốc, đặc biệt là mặt hàng chip.
Theo các chuyên gia Mỹ, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghệ của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các tập đoàn lớn như Apple, Foxconn và Intel đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam nhằm đa dạng hóa danh mục sản xuất của mình.
Một giáo sư tại Đại học Indiana chia sẻ với Forbes: “Việt Nam có thể thành công, ít nhất là thành công lớn, tùy thuộc vào cách họ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho làn sóng đầu tư.”
Bên cạnh Việt Nam, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng đang mở rộng hoạt động sản xuất. Cho Sang-hyun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại Quốc tế tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, cho biết: “Năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trong ngành hàng hóa trung gian khiến Đông Nam Á trở thành thị trường chiến lược.”
Mặc dù ASEAN không thể thay thế Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng dự báo sẽ hấp thụ một phần hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc. Lee Sang-ho, Phó Chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, nhận định: “Khác với Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á ít phải đối mặt với sự giám sát từ Mỹ, do đó chúng trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.”
Cuộc khảo sát cũng đánh giá các ngành có khả năng phát triển mạnh hoặc gặp khó khăn do chính sách thắt chặt của Donald Trump. Ngành đóng tàu, chất bán dẫn và hóa dầu được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ, trong khi ô tô và pin thứ cấp được nhận định là dễ bị tổn thương.
Ngành đóng tàu nhận được đánh giá tích cực nhất, với 43 văn phòng thương mại cho thấy tiềm năng lớn. Chất bán dẫn cũng có triển vọng khả quan, với 15 văn phòng dự đoán sự tăng trưởng. Các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với chất bán dẫn của Trung Quốc và sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn với chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến, bao gồm AI và điện toán lượng tử, có thể tạo cơ hội cho việc tiêu thụ chip cao cấp của Hàn Quốc.
Dù có triển vọng tích cực, ngành bán dẫn cũng được đánh giá là dễ bị tổn thương, đứng thứ ba trong số các ngành phải đối mặt với thách thức. Mối lo ngại chủ yếu đến từ khả năng tăng thuế quan đối với các sản phẩm bán dẫn của Mỹ, theo cảnh báo từ 19 văn phòng thương mại Hàn Quốc.
(theo VnEconomy)