Thị trường Halal

0
6
(Internet)
(Internet)

1. Cơ hội phát triển thị trường Halal Việt Nam

Theo trang tin Travel and TourWorld, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng ngành công nghiệp Halal, mặc dù vẫn còn một số thách thức. Hiện nay, Việt Nam có khả năng cung cấp khoảng 20 sản phẩm Halal nổi bật, bao gồm gạo, cà phê, gia vị, hoa quả… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng từ 57 quốc gia Hồi giáo. Những sản phẩm này không chỉ có giá thành và chi phí sản xuất cạnh tranh mà còn tận dụng lợi thế từ chiến lược thương hiệu “made in Viet Nam” để tạo dấu ấn trên thị trường quốc tế.

Các cơ quan Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu là mở rộng các dịch vụ Halal như nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn Halal và các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của du khách Hồi giáo. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực điều chỉnh phương thức canh tác theo tiêu chuẩn Halal, tích hợp các tiêu chuẩn toàn cầu như VietGap, GlobalGap và HACCP. Các tiêu chuẩn này không chỉ phù hợp với yêu cầu Halal mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu chính như nông sản, gia súc và hải sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Hợp tác với các quốc gia có thị trường Halal phát triển, như Indonesia, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế. Việt Nam đang tích cực tìm kiểu kinh nghiệm từ các nước có thế mạnh về Halal thông qua tham dự các diễn đàn và hội nghị lớn như Hội chợ Quốc tế Halal MIHAS tại Malaysia và Halal Expo tại Dubai. Việc kết nối sâu rộng hơn với khu vực Trung Đông mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm Halal Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, gia tăng giá trị xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế.

Về định hướng thời gian tới, thị trường Halal Việt Nam nên được phát triển theo hướng bền vững, thay vì chỉ là một phân khúc thị trường, nhằm thu hút cả khách hàng không theo đạo Hồi. Du lịch Halal cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để Việt Nam thu hút khách Hồi giáo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng ngành Halal và chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng tối đa những cơ hội mà thị trường Halal toàn cầu mang lại.

2. Chuyển động thị trường Halal khu vực 

Ngân hàng Trung ương Indonesia thúc đẩy số hoá ngành công nghiệp Halal

Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã khánh thành Hệ thống Thông tin hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tích hợp nông nghiệp với công nghệ thông tin và xã hội (Simfratani), tại Hội nghị Quốc tế về Halal Indonesia lần thứ 6 ngày 31/10. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy số hóa ngành công nghiệp Halal thông qua việc giám sát và báo cáo các hoạt động trồng trọt và thu hoạch theo tiêu chuẩn Halal, hỗ trợ lập bản đồ nhu cầu và sản xuất lương thực để cung cấp dữ liệu thời gian thực về tình hình phát triển nông nghiệp ở các khu vực trong Indonesia.

Thái Lan hướng tới vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp Halal châu Á

Theo Aljazeera, Thái Lan, quốc gia có số đông dân số theo đạo Phật, đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm Halal hàng đầu châu Á. Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chứng nhận Halal, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường Halal toàn cầu.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Thái Lan đạt hơn 220 tỷ bath (khoảng hơn 6 tỷ USD), đứng thứ 11 trên thế giới và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 4% trong thời gian tới. Sự phát triển của ngành Halal giúp Thái Lan tăng trưởng xuất khẩu và mở rộng thị trường, góp phần đa dạng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, Thái Lan cũng đối mặt với thách thức cạnh tranh từ một số nền kinh tế, nhất là từ Malaysia, đặt ra yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Halal.

Malaysia củng cố hệ sinh thái thương mại và công nghiệp Halal

Theo HalalFocus, Chính phủ Malaysia vừa công bố quyết định sáp nhập MATRADE (Cục xúc tiến thương mại Malaysia) và HDC (Tổng công ty Phát triển Halal) nhằm củng cố hệ sinh thái ngành công nghiệp và thương mại Halal.

Động thái này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Malaysia trong lĩnh vực Halal, tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ xuất khẩu và phát triển ngành công nghiệp. Sự sáp nhập giúp hợp nhất nguồn lực, tăng năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao vị thế của Malaysia trên thị trường Halal quốc tế. Đây cũng là bước chuẩn bị cho Malaysia khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, nhằm thu hút đầu tư và mở rộng xuất khẩu trong khu vực châu Á và tới các đối tác ASEAN.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here