Bảng “Chỉ số Quyền lực châu Á” 2024: Những điều bất ngờ và thú vị

0
315
Hiện Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc về công nghệ.

Viện Lowy và trang tin ABC News của Australia mới đây đưa ra công bố về bảng “Chỉ số Quyền lực châu Á” năm 2024 – do Viện Lowy công bố hàng năm – đã cho thấy những điều bất ngờ và thú vị.

Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc về công nghệ

Thoạt nhìn, những phát hiện rằng Mỹ vẫn dễ dàng đánh bại Trung Quốc trong thước đo công nghệ (một thành phần của năng lực kinh tế) có vẻ trái ngược với các tuyên truyền hàng ngày cho rằng Trung Quốc đang ngày càng vượt trội về mặt công nghệ so với phương Tây. Chắc chắn, Trung Quốc có lợi thế về một số công nghệ quan trọng và công nghệ xanh như xe điện. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phân tích phản đối ý tưởng rằng Trung Quốc đã thiết lập được vị thế thống trị về công nghệ. Hầu như tất cả 10 công ty công nghệ lớn nhất theo vốn hóa thị trường vẫn là các công ty Mỹ.

Chi tiêu cho đổi mới của Trung Quốc đã đạt được kết quả trong một số lĩnh vực nhưng vẫn lãng phí và kém hiệu quả. “Chỉ số Quyền lực châu Á” tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của thành công công nghệ, thay vì các công nghệ cụ thể và những điều này cho thấy nhìn chung Mỹ vẫn dẫn đầu.

Theo trang mạng ABC News, dù Trung Quốc đang tiếp tục xói mòn ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, nhưng sức mạnh tổng thể của Bắc Kinh trong khu vực dường không tăng đột biến cũng như không suy giảm. Năng lực kinh tế của Trung Quốc đang “giậm chân tại chỗ” do tăng trưởng kinh tế chậm hơn và những thách thức về cấu trúc dài hạn, có nghĩa là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, mặc dù vẫn thống lĩnh, nhưng không còn tăng nữa. Một trong những thách thức về cấu trúc dài hạn là dân số Trung Quốc đang giảm dần.

Trong khi đó, Mỹ dẫn trước Trung Quốc ở 6 trong số 8 chỉ số, với việc Washington duy trì mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng văn hóa và năng lực kinh tế mạnh hơn Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại chặt chẽ hơn trên khắp châu Á. Những nỗ lực thành công của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh như Nhật Bản, Australia và Philippines cũng đã củng cố quyền lực của nước này ở châu Á. Báo cáo của Việt Lowy cho rằng Mỹ “tiếp tục làm những người bi quan bối rối bằng cách chứng minh sức mạnh bền bỉ của mình trong khu vực, được thúc đẩy bởi năng lực kinh tế và mạng lưới liên minh”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Washington khi nói đến năng lực quân sự, khi họ đổ rất nhiều tiền vào việc mở rộng lực lượng vũ trang. Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện ở vị thế tốt hơn Mỹ để nhanh chóng triển khai quân đội ở châu Á trong một thời gian dài trong trường hợp xảy ra xung đột. Bà Susannah Paton nói với ABC News rằng mặc dù Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có những khiếm khuyết dai dẳng, song các khoản đầu tư của Trung Quốc vào sức mạnh quân sự và lợi thế địa lý tự nhiên của nước này đã làm xói mòn vị thế của Mỹ. Washinton có các ưu tiên quốc phòng toàn cầu, nhưng Trung Quốc có lợi thế về sự gần gũi ở châu Á. Những nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết sự mất cân bằng ngày càng tăng đó với Trung Quốc đã không thành công.

Mặc dù vậy, bà Paton cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và triển vọng nhân khẩu học tương đối mạnh của nước này cũng đang củng cố vị thế chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ tại châu Á, dù Trung Quốc vẫn giữ được vị thế dẫn đầu “rất lớn” so với Mỹ khi nói đến quan hệ thương mại. Bà Susannath Paton nhận định: “Nền kinh tế Mỹ đã hoạt động tương đối tốt hơn so với Trung Quốc và khi nhìn vào các nguồn lực và xu hướng nhân khẩu học trong tương lai, Mỹ dường như có lợi thế tích cực hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của khu vực và Mỹ vẫn chưa làm giảm điều đó, điều này cho thấy sự thiếu hụt liên tục trong cam kết kinh tế của Mỹ trong khu vực và việc Mỹ thiếu những nỗ lực nhằm khuyến khích khu vực tư nhân trong khu vực”.

Nhật Bản mất dần vị thế kinh tế

Dù Nhật Bản vẫn giữ được sức mạnh đáng kể, song vị thế kinh tế của nước này trong khu vực đã suy giảm và lợi thế công nghệ của Nhật Bản đã bị xói mòn mạnh mẽ trước sự cạnh tranh từ các trung tâm sản xuất tiên tiến khác ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Thực tế này đã làm chuyển hướng đầu tư nước ngoài khỏi lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản, và cùng với những trở ngại về nhân khẩu học, đã góp phần làm giảm năng suất của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản đồng thời củng cố vị thế của mình bằng cách nhanh chóng phát triển các mối quan hệ quốc phòng, đặc biệt là với Mỹ và Australia, theo đó Tokyo đang “trở thành một bên tham gia vào an ninh khu vực theo đúng nghĩa của mình”.

Singapore mạnh hơn Indonesia

Singapore đứng thứ 8 trong số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng quyền lực toàn diện ở châu Á, ngay trước Indonesia. Câu hỏi được nhiều người nêu lên là vì sao một quốc gia có chưa đến 6 triệu dân, với diện tích khoảng 700 km2, lại có thể mạnh hơn một quốc gia có 280 triệu dân trải rộng trên gần 1,9 triệu km2? Ngay cả khi xét đến GDP, nền kinh tế của Indonesia vẫn lớn hơn Singapore gấp 4 lần.

Mặc dù kết quả này có vẻ trái ngược với trực giác, nhưng cần nhớ rằng quyền lực là khả năng của một quốc gia trong việc định hình và phản ứng với môi trường bên ngoài. Singapore là quốc gia nhỏ, giàu có và có mạng lưới kết nối chặt chẽ với thế giới. Vì vậy, mặc dù không bằng Indonesia về khả năng phục hồi quốc gia, song Singapore có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho năng lực quân sự và hội nhập sâu hơn với khu vực thông qua các mạng lưới quốc phòng, các dự án văn hóa và các liên kết thương mại-đầu tư.

Ngược lại, dân số đông đảo và trình độ phát triển thấp hơn của Indonesia đòi hỏi quốc gia này phải có những hành động cân bằng, tiêu biểu là cam kết của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto đối với cả hiện đại hóa quân đội lẫn cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh. Mặc dù vậy, so với xếp hạng của những năm trước, Indonesia được đánh giá là đã gia tăng mạnh mẽ sức mạnh ở châu Á nhờ thành công trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế và quốc phòng chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực.

Dân số không giúp Ấn Độ trở thành siêu cường

Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia hùng mạnh thứ 3 ở châu Á xét về sức mạnh tổng thể. Tuy nhiên, theo “Chỉ số Quyền lực châu Á”, Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc và Mỹ. Điều này trái ngược với những giả định mà nhiều người dân Ấn Độ vẫn nghĩ về tầm ảnh hưởng của đất nước họ. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 68% người dân Ấn Độ cho rằng sức mạnh của đất nước đang gia tăng, so với mức trung bình là 28% ở các quốc gia khác được khảo sát về tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, giống như Indonesia, dân số khổng lồ của Ấn Độ khiến nước này khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu và nuôi sống người dân. Chiến lược gia người Mỹ Michael Beckley đã đưa ra một công thức để tính toán sức mạnh quốc gia toàn diện, đó là GDP nhân với GDP bình quân đầu người sẽ ra chi phí phúc lợi mà nhà nước phải chi trả cho người dân. Mặc dù vậy, theo bảng “Chỉ số Quyền lực châu Á”, Ấn Độ vẫn có tiềm năng để gia tăng ảnh hưởng ở châu Á.

Bà Susannah Paton – Giám đốc phụ trách Chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy và cũng là người đứng đầu chương trình “Chỉ số Quyền lực châu Á” – cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ngoại giao năng động của Ấn Độ trong khu vực đã củng cố vị thế của nước này, cho dù vẫn còn có nhiều câu hỏi được đặt ra về quỹ đạo phát triển của nước này. Bà nói: “Có một quan điểm lạc quan về Ấn Độ là nước này đang phát triển mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng ngoại giao đã tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những đánh giá bi quan rằng Ấn Độ vẫn đang tụt hậu trong các mối quan hệ kinh tế với khu vực. Điều đó không có gì ngạc nhiên khi xét đến việc Ấn Độ miễn cưỡng tham gia các thỏa thuận thương mại khu vực và vẫn khá hướng nội về mặt kinh tế”.

Văn hóa đại chúng Hàn Quốc không mạnh như nhiều người vẫn nghĩ

Nhạc pop, thẩm mỹ viện, phim truyền hình và thời trang Hàn Quốc đều đang chinh phục thế giới. Vậy tại sao “Chỉ số Quyền lực châu Á” lại xếp Hàn Quốc chỉ ở vị trí thứ 8 về ảnh hưởng văn hóa, giảm 1 bậc so với vị trí năm 2023?

“Chỉ số Quyền lực châu Á” không đo lường cụ thể các chỉ số như số lượng phát trực tuyến từ Spotify hoặc Netflix vì không thể đánh giá chuẩn hoặc so sánh chính xác mức độ quan tâm ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trong “Chỉ số Quyền lực châu Á”. Một trong những chỉ số mà Viện Lowy theo dõi là xuất khẩu dịch vụ văn hóa. Năm 2022 (năm gần đây nhất có dữ liệu), xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đạt 2 tỷ USD, gần gấp đôi năm 2021.

Mức độ quan tâm tìm kiếm trực tuyến ở Hàn Quốc mà Viện Lowy đo lường cũng là thước đo cho sức mạnh văn hóa vì các thuật ngữ liên quan như “ẩm thực Hàn Quốc”, “K-pop” hoặc “K-beauty” đều được nắm bắt. Tuy nhiên, vào năm 2022 và 2023, các trận đấu bóng đá World Cup của Hàn Quốc đã thu hút nhiều sự quan tâm tìm kiếm trực tuyến hơn ở châu Á so với thông báo rằng nhóm nhạc nam lớn nhất của họ là BTS sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Điều này cho thấy văn hóa đại chúng là động lực ít quan trọng hơn đối với ảnh hưởng văn hóa so với nhiều người vẫn nghĩ.

Triều Tiên kiên cường

Một chế độ độc tài bí ẩn, đóng cửa biên giới và GDP bình quân đầu người ước tính chỉ 1.057 USD có lẽ sẽ bị đánh giá là đang bên bờ vực sụp đổ. Vì vậy, một số độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Triều Tiên xếp thứ 9 về thước đo khả năng chống chọi. Tuy nhiên, hãy cân nhắc rằng khả năng chống chọi được định nghĩa là năng lực ngăn chặn các mối đe dọa bên ngoài đối với sự ổn định của nhà nước.

Mặc dù Triều Tiên đứng gần cuối ở hầu hết các thước đo mang tính quyết định – ổn định nội bộ (xếp thứ 24), an ninh tài nguyên (thứ 7), an ninh địa kinh tế (thứ 26) và an ninh địa chính trị (thứ 22) – song nước này lại xếp thứ tư về khả năng răn đe hạt nhân vì đây là một trong số ít quốc gia ở châu Á có năng lực hạt nhân. Nước này cũng đạt điểm tương đối cao (thứ 7) về an ninh tài nguyên, chủ yếu là vì nước này gần như tự cung tự cấp năng lượng. Tự lập và tránh phụ thuộc vào nước khác là mục tiêu chính của chế độ này. Tuy nhiên, thành công của Triều Tiên trong lĩnh vực này phải trả giá ở những lĩnh vực khác: quốc gia này có số điểm là 0,0 về các quan hệ kinh tế.

Australia vượt Nga

Australia là quốc gia có sức mạnh thứ 5 ở châu Á, xếp trên Nga – quốc gia đã phải chịu sự suy giảm mạnh về ảnh hưởng khi cuộc chiến ở Ukraine làm suy yếu sự tập trung và nguồn lực ở khu vực.

Theo bảng “Chỉ số Quyền lực châu Á”, sức mạnh bền bỉ của Australia “trái ngược với quan điểm bi quan hơn cho rằng theo thời gian, Australia sẽ trở thành một bên tham gia nhỏ hơn và ít liên quan hơn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn hơn nhiều khác trỗi dậy”.

Bảng “Chỉ số Quyền lực châu Á” đo lường sức mạnh tương đối của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời xếp hạng quyền lực tương đối của các quốc gia ở châu Á theo 8 chỉ số.

Vũ Hùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here