Việt Nam khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu

0
36
Nhờ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và khởi sắc. Trong ảnh: Một góc TP. Hồ Chí Minh chụp từ trên cao. (Nguồn: Getty Images)
(minh họa)

Trang web của nhóm quan sát Red Lantern Analytica (Ấn Độ) mới đây đưa ra đánh giá, thông qua các cải cách kinh tế, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), có sức ảnh hưởng đến những động lực kinh tế khu vực và thế giới.

Sức ảnh hưởng đến những động lực kinh tế khu vực và thế giới

Theo bài viết, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều GVC, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và xuất khẩu, với các ngành trọng điểm bao gồm dệt may, điện tử và kỹ thuật; khẳng định vị thế là đối thủ cạnh tranh nhờ lợi thế về chi phí, vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là những minh chứng về các hiệp định đã giúp Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam chú trọng cải thiện hạ tầng, bao gồm cả cảng biển và logistics, điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập vào GVC. Mạng lưới giao thông và truyền thông hiệu quả cũng giúp Việt Nam củng cố vai trò là trung tâm sản xuất và tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách điểm đến đầu tư.

Theo đó, những cơ hội đối với Việt Nam gồm, thứ nhất, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa cơ sở công nghiệp và thăng hạng trong chuỗi giá trị. Đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ và sản xuất tiên tiến, việc này có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng.

Thứ hai, với việc tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại khu vực và khối kinh tế, Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Việt Nam. Các sáng kiến như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang đến cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư.

Thứ ba, đổi mới công nghệ có thể giúp tăng năng suất và mở ra các cơ hội kinh tế mới. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chuyển đổi số và sản xuất thông minh có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam có sức ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn và có nhiều quan hệ đối tác chiến lược. Cùng với vị thế chiến lược, Việt Nam đang có lợi thế đòn bẩy lớn trong các cuộc đàm phán quốc tế và giúp định hình chính sách kinh tế toàn cầu. Vai trò của Việt Nam dự kiến sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong tương lai.

Một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà nhập khẩu 

Cùng với nhận định về vị thế trong chuối cung ứng toàn cầu, trang Brainz Magazine (Thụy Điển) nhận định, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà nhập khẩu thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1.

Theo bài viết, dịch chuyển nguồn cung ứng và sản xuất sang Việt Nam có những lợi thế rõ rệt. Chi phí lao động tại Việt Nam thấp, đặc biệt là khi so sánh với nhiều trung tâm sản xuất khác. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng, khi Việt Nam tích cực đầu tư vào cảng, đường bộ và khu công nghiệp giúp tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách chủ động, cung cấp thêm các ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Việt Nam hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm may mặc, điện tử và máy móc, là nền tảng cho nguồn cung ứng đa dạng.

Vị trí gần Trung Quốc giúp dễ dàng quản lý nguồn cung ứng từ cả hai nước. Khi hiện diện tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được đảm bảo mối làm ăn liên tục với các nhà cung cấp Trung Quốc, khi hàng nghìn công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Đối với những đối tác đã quen làm việc với các đối tác Trung Quốc, nếu được tiếp tục làm việc với các đối tác Trung Quốc ở một địa điểm khác thì cũng là điều thuận lợi.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục ghi nhận hiệu suất mạnh

Hãng phân tích S&P Global đánh giá, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục ghi nhận hiệu suất mạnh trong tháng 8/2024. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp các điều kiện hoạt động kinh doanh được cải thiện, theo đó phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực sản xuất.

Các nhà sản xuất tại Việt Nam báo cáo sản lượng và đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào giữa Quý III/2024. Dù tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút so với mức gần kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2024, nhưng nhìn chung vẫn ở mức tăng trưởng cao. Nhu cầu ổn định, thúc đẩy hoạt động mua hàng tăng mạnh, theo đó đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Lĩnh vực sản xuất tăng mạnh một phần là nhờ giá cả ổn định, theo đó giúp các công ty có được hợp đồng làm ăn mới và nhu cầu toàn cầu tăng. Điều đáng chú ý là các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trong tháng thứ 5 liên tiếp.

Áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Tốc độ lạm phát tăng chậm lại đáng kể so với tháng 7/2024, mức thấp nhất trong 04 tháng qua.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here