Bến Tre sẵn sàng đưa dừa tươi đến đất nước tỷ dân

0
99

Mới đây, dừa tươi là một trong 3 sản phẩm được “xướng tên” trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. 3 Nghị định thư này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết mới đây.

Bến Tre đặt mục tiêu ổn định diện tích vườn dừa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa. (Nguồn: Vietnambiz)

Là “Xứ sở dừa Việt Nam” với diện tích hơn 79.000 ha, lớn nhất cả nước, sản lượng trên 700 triệu trái; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, tỉnh hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8.400 ha và trên 12.800 hộ tham gia.

Những con số này là về vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu được nêu trong Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biế, tất cả hồ sơ về mã vùng trồng, đơn vị đã gửi cho Cục Bảo vệ thực vật và chờ động thái của cơ quan này và phía Trung Quốc đi kiểm tra.

Theo ông Thuật, việc Nghị định thư được ký kết là bước rất quan trọng, tạo tiền đề cho câu chuyện xây dựng mã vùng trồng và mã nhà máy. Hiện tại, mã vùng trồng của công ty đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng của công ty để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Trung Quốc.

Khi Nghị định thư được ký để nhập khẩu dừa uống nước của Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa có thêm một khách hàng lớn. Bởi, hàng năm, thị trường “tỷ dân” này tiêu thụ sản lượng dừa rất lớn, nhất là thời điểm mùa hè, hầu như ở Thái Lan hay các quốc gia trồng dừa đều thiếu sản lượng cung cấp cho thị trường Trung Quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian qua, nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Riêng chuỗi dừa, đến nay, có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 10.094 ha và 7.048 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20.400 ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh). Trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 13.000 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thông tin, tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.

Cụ thể, tỉnh đã có những chính sách, chủ trương và định hướng để khai thác tối đa giá trị cây dừa như: Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.

Nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.

Bến Tre đặt mục tiêu ổn định diện tích vườn dừa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa; phát triển diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững. Địa phương đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm dừa thông qua việc chứng nhận hữu cơ, GAP và tương đương; cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, khảo nghiệm về giống dừa, cung cấp cây giống dừa chất lượng cao cho nhu cầu trồng mới và cải tạo vườn dừa lão, kém hiệu quả; thực nghiệm trình diễn các mô hình canh tác dừa tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here