Ngày 7/12/2023 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã khẳng định rõ tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung nêu trên, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Cụ thể là từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư thông qua các Ban quản lý khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương. Vừa qua, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng được kiện toàn tổ chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thu hút và quản lý đầu tư.
Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50 nghìn nhân lực cho ngành đến năm 2030, đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đặc biệt là khánh thành cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn; cùng với ba khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Bộ trưởng cũng cho biết Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn.
Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
“Như vậy, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các Nhà đầu tư trong ngành bán dẫn, thể hiện quyết tâm cụ thể hóa Tuyên bố chung của hai nước.
Tôi tin tưởng rằng, ngài Chủ tịch và các doanh nghiệp thành viên sẽ nhận được nhiều thông tin tích cực để sớm nghiên cứu, quyết định đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại Tọa đàm, đại diện các thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ Intel, Qualcomm, Marvell, Infineon… đã thảo luận và nêu đề xuất các nội dung liên quan đến chính sách thuế, bảo hộ sở hữu trí tuệ…, đồng thời chia sẻ kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp vào Việt Nam.
(Tô Hà/Báo Nhân dân)