Hứa hẹn dòng vốn lớn
Những thông điệp tích cực về việc Việt Nam “đã nói là làm” để triển khai các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu tại Hội nghị COP28 đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc thu hút dòng đầu tư xanh. Không chỉ là khoản tài trợ từ các đối tác quốc tế, như ngân khoản 15,5 tỷ USD từ các đối tác Anh, Mỹ, châu Âu… để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng công bằng…, mà còn là các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua với các tập đoàn toàn cầu cho thấy, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dòng đầu tư xanh.
Ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức tại UAE, với chủ đề “Huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh”, các nhà đầu tư cũng đã đánh giá cao tiềm năng to lớn của Việt Nam về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời.
“Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo”, các nhà đầu tư đã khẳng định.
Thực tế, vài năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển điện gió, điện mặt trời, với nhiều dự án quy mô lớn. Giai đoạn 2015-2022, Việt Nam đã thu hút được 106,8 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ngay tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều tập đoàn lớn đã tiếp tục khẳng định mối quan tâm đối với thị trường Việt Nam. Equinor (Na Uy), International Holdings Company (UAE), hay Copenhagen Infrastructure Partners (CIP – Đan Mạch), Enterprize Energy (EE – Anh) là ví dụ điển hình.
Equinor, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Na Uy, trên thực tế, đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên tại thị trường Việt Nam, với việc mở văn phòng tại Hà Nội và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam.
Trong khi đó, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý có Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận), quy mô 3,5 GW, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10,5 tỷ USD.
Còn EE thì hợp tác với các đối tác như Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind. Trong tổ hợp này, có hai dự án cấu phần, là Thăng Long Wind (TLW) – có quy mô 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) – tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Chia sẻ kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn này đều bày tỏ mong muốn được đóng góp vào mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Vẫn còn phải chờ đợi và cũng còn rất nhiều việc phải làm để những kế hoạch này trở thành hiện thực, song rõ ràng, cơ hội để Việt Nam đón các dự án trong lĩnh vực này là rất lớn. Cùng với các dự án đã và đang được triển khai, bao gồm cả các dự án điện khí LNG với quy mô hàng tỷ USD đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, Việt Nam thực sự có cơ hội trở thành “trung tâm của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo”.
Khơi dòng đầu tư xanh
Năng lượng tái tạo chỉ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút đầu tư trong thời gian tới nhằm thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng đang hứa hẹn các dự án xanh.
Lâu nay, dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ở Bình Dương vẫn được coi là một trong những dự án đóng vai trò “bước ngoặt” cho sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhưng LEGO không phải là dự án FDI xanh duy nhất. Trung tuần tháng 4/2023, Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác để xây dựng Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên tại Việt Nam trên diện tích 180 ha tại tỉnh Bình Dương.
Với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, khu liên hợp này được phát triển dựa trên mô hình trung hòa carbon đang được thí điểm bởi Khu liên hợp công nghiệp Banwol-Sihwa tại Hàn Quốc. Dự án này, theo kế hoạch, sẽ sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải và công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp, góp phần vào phát triển xanh tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương. Dự kiến, khu liên hợp công nghiệp “Net Zero” này sẽ thu hút khoảng 20 doanh nghiệp là thành viên của SEP tham gia đầu tư các giải pháp để trung hòa carbon.
Không chỉ SEP, nhà phát triển dự án bất động sản công nghiệp hàng đầu ở Việt Nam hiện nay là VSIP cũng đang phát triển khu VSIP 3 trở thành khu công nghiệp xanh, để thu hút dự án xanh. Dự án của LEGO cũng được đặt tại khu công nghiệp này.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, HEINEKEN đã đưa nhà máy bia ở Bà Rịa – Vũng Tàu đi vào hoạt động. Đây cũng chính là một nhà máy xanh, với kế hoạch vận hành 100% từ năng lượng tái tạo. Hiện tại, 97% nhiệt năng sinh khối sử dụng để nấu bia được cung cấp từ một doanh nghiệp đối diện nhà máy, ngay trong tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân.
Việc Việt Nam gần đây tập trung thu hút đầu tư vào các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0, như bán dẫn, hydro xanh… cũng là một trong những phương cách để “xanh hóa” dòng vốn FDI.
Tại lễ khánh thành nhà máy Amkor ở Bắc Ninh, bà Susan Y.Kim, Phó chủ tịch Tập đoàn Amkor Technology đã khẳng định, Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn trên toàn cầu. Khi nhà đầu tư quan tâm đến “phát triển bền vững”, thì đó là lúc, Việt Nam có nhiều cơ hội khơi dòng vốn xanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
“Do đó, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho cả hai bên”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
(Nguyên Đức/vnecomy)