Việc lạm phát xuống thang nhanh ở các nền kinh tế phát triển đã mở ra một cuộc tranh luận giữa thị trường và các ngân hàng trung ương về việc khi nào lãi suất sẽ bắt đầu giảm. Giới hoạch định chính sách tiền tệ cảnh báo còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, trong khi nhà đầu tư có vẻ như đã bắt đầu “bữa tiệc” bằng cách đặt cược về thời điểm giảm lãi suất.
Đường đi của lạm phát sẽ là nhân tố quyết định bên nào đúng. Có nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn việc giá năng lượng hình thành một mặt bằng mới và tăng trưởng tiền lương còn mạnh, có thể cản trở nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc hoàn thành chặng cuối của hành trình đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel mới đây cảnh báo về “một chặng đường gập ghềnh phía trước, khi lạm phát có thể trồi sụt trong tương lai gần”.
Đặt cược trên thị trường tương lai đang phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng đến tháng 6/2024, cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được cho là sẽ đi sau, với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra trước tháng 8/2024, sau đó sẽ là 1-2 đợt giảm nữa trước khi kết thúc năm 2024.
Những kỳ vọng này nổi lên bất chấp các quan chức ngân hàng trung ương liên tiếp cảnh báo rằng lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong cả năm 2024. Số liệu công bố trong tuần vừa rồi cho thấy lạm phát ở Eurozone trong tháng 11/2023 là 2,4%, từ mức 2,9% của tháng 10/2023 và thấp hơn mức dự báo 2,7% mà giới chuyên gia đưa ra. Như vậy, lạm phát ở khu vực này đã giảm hơn 3/4 kể từ mức đỉnh thiết lập cách đây hơn 1 năm và đã đến gần mục tiêu của ECB.
LẠM PHÁT CÓ THỂ TRỖI DẬY
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde trước đó nói rằng còn quá sớm để “công bố chiến thắng” trước lạm phát, cảnh báo lạm phát có thể trỗi dậy trong những tháng sắp tới khi các lực lượng gây giảm lạm phát hiện nay suy yếu. Bà Isabel Schnabel, một đồng nghiệp của bà Lagarde trong Hội đồng Thống đốc ECB, đã so sánh phần còn lại của tiến trình giảm lạm phát với giai đoạn cuối cùng của một cuộc đua đường trường. Thống đốc Nagel của Bundesbank thì dự báo lạm phát ở Eurozone sẽ quay trở lại ngưỡng 3% một khi chính sách trợ giá năng lượng – nhân tố ghìm giá năng lượng trong khu vực ở mức thấp – không còn được áp dụng nữa.
Phần lớn các nhà kinh tế học đồng tình với quan điểm thận trọng này của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Họ dự báo lạm phát ở Eurozone sẽ bật tăng trở lại mức 3,5% vào tháng 12 và giữ trên mốc 2% cho tới ít nhất đầu năm 2025, theo dự báo bình quân của giới chuyên gia trong một cuộc khảo sát do Consensus Economics thực hiện.
Một số quan chức ngân hàng trung ương khác cũng tìm cách dập tắt sự lạc quan của thị trường tài chính về lạm phát giảm và khước từ những câu hỏi về việc khi nào sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ vào đầu tháng 11/2023, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Fed sẽ không bị “đánh lừa” bởi một vài tháng dữ liệu cho thấy sự chuyển biến tích cực của lạm phát. Ông chỉ rõ “trước đây, lạm phát đã vài lần đánh lạc hướng”. Thống đốc Fed Christopher Waller – một trong những quan chức “diều hâu” nhất của Fed – tuần qua cũng phát tín hiệu rằng Fed có thể sẽ không tăng thêm lãi suất và sẽ cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tiếp tục giảm. Tuy nhiên, quan điểm của ông Waller về khả năng cắt giảm lãi suất vẫn chưa phải là tiếng nói chung của đa số các thành viên hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này.
Tốc độ lạm phát toàn phần cả năm ở Mỹ tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm còn 3,2% trong tháng 10/2023, nhưng được dự báo sẽ giữ trên mức 3% cho tới tháng 1/2024 và chỉ giảm về 2,4% vào cuối năm 2024, theo khảo sát của Consensus Economics. Lạm phát tháng 10/2023 ở Anh là 4,6%, đã giảm nhiều từ mức đỉnh 11,1% thiết lập cách đây 1 năm, nhưng BOE dự báo phải đến cuối năm 2024 lạm phát ở nước này mới giảm về ngưỡng 3% và mất thêm 1 năm nữa mới về ngưỡng 2%.
NHỮNG YẾU TỐ CẢN TRỞ TIẾN TRÌNH GIẢM LẠM PHÁT
Có một số yếu tố có thể kéo dài quá trình mà các nền kinh tế phát triển đưa lạm phát về ngưỡng 2%.
Một trong số đó là việc giá năng lượng giảm mạnh trở lại, sau đợt tăng chóng mặt vào năm ngoái do chiến tranh Nga-Ukraine, đã được phản ánh hết vào dữ liệu lạm phát. Mức giảm sâu của giá năng lượng so với cùng kỳ năm ngoái đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo tỷ lệ lạm phát toàn phần xuống. Ở Mỹ, giá năng lượng trong tháng 10 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái; ở Eurozone mức giảm là 11,2%. Nhưng tác động này được dự báo sẽ giảm dần, vì mức độ giảm của giá năng lượng so với cùng kỳ năm trước sẽ giảm dần và thậm chí sẽ chuyển thành trạng thái tăng.
Giá thực phẩm cũng đã giảm tốc được vài tháng. Lạm phát giá thực phẩm ở Eurozone lập đỉnh ở mức 17,9% vào tháng 3/2023 và được dự báo sẽ giảm dưới 7% vào tháng 11/2023.
Sự giảm tốc của lạm phát đã diễn ra “nhanh chóng do hiệu ứng cơ sở so sánh, nhưng những gì diễn ra sắp tới là sự giảm tốc đó sẽ chậm lại”, nhà kinh tế trưởng Samy Chaar của Công ty Lombard Odier nhận định với tờ Financial Times. Ông Chaar nói thêm rằng “câu chuyện như vậy diễn ra ở mọi nơi”, ngay cả khi quá trình giảm lạm phát bắt đầu sớm hơn tại một số nền kinh tế mới nổi, rồi mới tới Mỹ và châu Âu.
Một nhân tố quan trọng khác mà các ngân hàng trung ương đã xác định có thể khiến lạm phát giữ ở mức cao là tốc độ tăng nhanh của tiền lương. Tiền lương tăng đẩy cao chi phí đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hàm lượng nhân công cao, buộc họ phải tăng giá dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Điều này được phản ánh trong dữ liệu do ECB công bố mới đây về tăng trưởng tiền lương ở Eurozone, cho thấy mức tăng tiền lương ở khu vực này trong quý 3 là 4,7%, tăng tốc từ mức 4,4% ghi nhận trong quý 2. Sự tăng tốc của tiền lương xác nhận “bức tranh lạm phát lõi dai dẳng”, có thể khiến các nhà hoạch định chính sách ECB giữ vững lập trường cứng rắn, theo nhà kinh tế học Claus Vistesen của Pantheon Macroeconomics.
Do ảnh hưởng của tiền lương tăng, lạm phát giá dịch vụ tháng 10/2023 ở Eurozone là 4,6%; ở Mỹ là 5,1%; và ở Anh là 6,6%. BOE dự báo lạm phát giá dịch vụ sẽ duy trì trên 6% cho tới mùa xuân năm 2024. “Dịch vụ là một bộ phận có hàm lượng nhân công cao trong nền kinh tế và sẽ mất nhiều thời gian để giảm lạm phát giá dịch vụ”, ông Ramsden nói.
Một báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo lạm phát lõi, thước đo không bao gồm giá năng lượng và giá lương thực-thực phẩm, sẽ duy trì trên mức 3% trong nền kinh tế toàn cầu trong phần lớn thời gian của năm tới “chủ yếu bởi sức ép chi phí nhân công và giá dịch vụ tiếp tục tăng”.
Một yếu tố khác giữ lạm phát cao là việc các chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng.
Pháp đã giảm trợ cấp giá điện trong những tháng gần đây và việc này khiến lạm phát giá năng lượng tăng lên. Đức dự kiến đến tháng 1/2024 sẽ bắt đầu đảo ngược việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhà hàng từ 21% về 7% áp dụng từ đại dịch đến nay. Việc tăng thuế trở lại như vậy sẽ khiến lạm phát toàn phần ở Đức tăng thêm 0,6 điểm phần trăm.
Mặc dù chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát có thể là giai đoạn chậm chạp nhất đối với cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và nhà đầu tư, việc lạm phát toàn phần giảm đồng nghĩa các hộ gia đình sẽ cảm thấy dư dả hơn vì tiền lương của họ cuối cùng cũng đuổi kịp với tốc độ tăng của giá cả. “Điều đó có nghĩa là sức mua sẽ được cải thiện trong năm tới”, chuyên gia Samy Chaar nhận định…