Phát triển nền kinh tế số ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

0
298
Trong bối cảnh đã có trên 81 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn, kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian mới có thể thoát khỏi hố sâu suy thoái để phục hồi.

Năm 2021 nền kinh tế số của Trung Quốc đạt 7,1 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP quốc gia, được đo bằng giá trị kết hợp của các sản phẩm công nghệ và đầu vào kỹ thuật số tích hợp, đạt 39,8% trong năm 2021, tăng từ 20,9% vào năm 2012. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số Trung Quốc đi kèm với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Theo đó, Trung Quốc đã có các chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh chóng công nghệ 5G. Tính đến cuối năm 2022, quốc gia này đã có tổng cộng 2,31 triệu trạm gốc 5G và hơn 1 tỷ người dùng 5G.

1. Thực trạng phát triển nền kinh tế số tại Trung Quốc

Trung Quốc cũng được xem là một trong những quốc gia đang sở hữu một trong những cơ sở hạ tầng mạng lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng đã thúc đẩy việc tích hợp dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2025, Trung Quốc dự báo sẽ chiếm gần 30% tổng khối lượng dữ liệu của thế giới với nhiều loại dữ liệu phong phú. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDC (International Data Corporation), tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệ AI.

Định hướng của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, tiếp đến tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như AI, rô-bốt. Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI, trong đó có cả công viên phát triển AI trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Kinh. Tập đoàn IDC dự báo, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc năm 2030 sẽ liên quan tới xu hướng số hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh số hóa các hoạt động kinh doanh.

Trung Quốc đã đưa nền kinh tế số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số đã đưa ra một lộ trình chi tiết và các biện pháp khuyến khích để củng cố lĩnh vực này. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực của mình trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như cảm biến, thông tin lượng tử, truyền thông, mạch tích hợp và chuỗi khối, cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo như 6G. Kế hoạch này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của chuỗi cung ứng để sử dụng tốt hơn các nguồn dữ liệu và cải thiện việc quản trị nền kinh tế số của đất nước.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc cũng đã thông qua mục tiêu tăng sản lượng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế số lên 10% GDP của quốc gia vào năm 2025, tăng từ 7,8% trong năm 2020. Con số này đề cập cụ thể đến giá trị gia tăng trực tiếp của truyền thông, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin. Các mục tiêu khác bao gồm tăng tỷ lệ kết nối của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc với “nền tảng internet công nghiệp” lên 45% và tăng số hộ gia đình Trung Quốc kết nối với băng thông rộng với tốc độ ít nhất 1 gigabyte/giây lên 60 triệu vào năm 2025.

Bên cạnh việc ban hành Kế hoạch hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều chính sách và sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kỹ thuật số, cụ thể như:

– Tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố Kế hoạch phát triển công nghệ tài chính cho giai đoạn 2022-2025, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính trong 4 năm tới. Đây là kế hoạch phát triển công nghệ tài chính lần thứ hai do PBOC công bố, tiếp theo sau kế hoạch phát triển công nghệ tài chính giai đoạn 2019-2021 được đưa ra vào năm 2019. Kế hoạch này đưa ra các cơ hội mở rộng công nghệ tài chính, các mục tiêu điều tiết chính của Chính phủ và kỳ vọng của Trung Quốc đối với các ứng dụng công nghệ tài chính tiên tiến và sự phát triển toàn diện của lĩnh vực công nghệ tài chính của đất nước.

– Tháng 2/2022, Trung Quốc đã công bố kế hoạch mang tên “Dữ liệu phương Đông, Điện toán phương Tây”. Kế hoạch này nhằm mở rộng phạm vi của các trung tâm dữ liệu để cải thiện khả năng xử lý, lưu trữ và tính toán dữ liệu của Trung Quốc. Theo đó, kế hoạch sẽ xem xét xây dựng 8 trung tâm điện toán và 10 cụm trung tâm dữ liệu tại các khu vực trọng điểm ở phía Đông và phía Tây của Trung Quốc, nhằm mục đích cuối cùng là đưa dữ liệu từ các khu vực đông dân cư và có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc đến các khu vực phía Tây giàu tài nguyên và dân cư thưa thớt. Thông qua đó, Trung Quốc hy vọng sẽ khắc phục sự mất cân bằng về cung và cầu về năng lực tính toán, tạo ra các trung tâm dữ liệu xanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời tăng cường năng lực tính toán tổng thể của đất nước để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ của đất nước.

– Tháng 7/2022, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố tài liệu có tựa đề “Các biện pháp đánh giá bảo mật”, trong đó nêu chi tiết các yêu cầu đánh giá bảo mật đối với việc truyền dữ liệu xuyên biên giới của các công ty. Tài liệu này đưa ra các yêu cầu, các bước và thủ tục cụ thể để các công ty thực hiện đánh giá bảo mật nhằm chuyển dữ liệu hoặc thông tin cá nhân ra nước ngoài, một yêu cầu bắt buộc đối với các công ty xử lý khối lượng lớn dữ liệu từ người dùng Trung Quốc hoặc có dữ liệu được phân loại là quan trọng hoặc nhạy cảm.

Các biện pháp đánh giá mới này dựa trên 3 đạo luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu và thông tin: Luật An toàn không gian mạng (Cyber Security Law – CSL) được thực thi vào ngày 01/6/2017; Luật An toàn dữ liệu (Data Security Law – DSL) có hiệu lực từ ngày 01/9/2021; Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (Personal Infomation Protection Law – PIPL) mới được thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/11/2021. Các biện pháp đánh giá bảo mật sẽ nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa việc xuất dữ liệu từ Trung Quốc, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua các kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế số, Việt Nam có thể rút ra những hàm ý sau:

Một là, Chính phủ và khu vực tư nhân đều cần nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật số, cũng như công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đặc biệt là các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử. Đây là nền tảng quan trọng, cần triển khai để tạo điều kiện cho các hoạt động trực tuyến. Trên cơ sở nền tảng viễn thông mạnh, Việt Nam tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, song song với phát triển các yếu tố công nghệ đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên không gian mạng. Để nâng cấp hạ tầng số, Chính phủ và các doanh nghiệp cần thực hiện các phương án triển khai dịch vụ 5G để theo kịp xu hướng thế giới. Công nghệ 5G sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng internet kết nối vạn vật, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hai là, cách thức phát triển nền kinh tế số và những chính sách ở giai đoạn sau, cụ thể là chiến lược MIC2025 của Trung Quốc cho thấy, chính sách của họ luôn chú trọng tính thực tế, thực dụng, không rập khuôn. Điều đó giúp họ đánh giá rất chính xác khả năng và tiềm năng, nên đề ra các giai đoạn chính sách phù hợp với điều kiện chủ quan và khách quan. Kinh tế số của Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, họ có các doanh nghiệp mạnh, nhưng vẫn nhận thức được khoảng cách của họ đối với những nền kinh tế phát triển là rất lớn.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam ở đây là mỗi quốc gia cần thiết kế chính sách riêng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, nhu cầu của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, trình độ phát triển công nghệ của nước ta sẽ cần nhìn nhận là còn khoảng cách lớn hơn nữa so với công nghệ 4.0 của thế giới. Đánh giá như vậy không phải để nản lòng các doanh nghiệp, mà để lựa chọn đúng lĩnh vực cần phát triển trước. Ví dụ, Trung Quốc dường như có sự lựa chọn đúng khi đi vào mảng thương mại điện tử, là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ vừa phải, rồi mới tiến đến các lĩnh vực khó hơn như AI, Robot.

Ba là, Việt Nam có những doanh nghiệp công nghệ dẫn dắt quy mô lớn, có triển vọng phát triển ngang tầm quốc tế, nhưng dường như chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Có 3 doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT nhưng lại lựa chọn đi theo các hướng phân tán: Viettel tập trung kinh doanh viễn thông và đầu tư ra nước ngoài; FPT hướng đến xuất khẩu phần mềm… Hệ quả là thị trường thương mại điện tử, thanh toán điện tử bị bỏ ngỏ trong thời gian dài. Khi phân khúc này được chú trọng, thì các doanh nghiệp trong nước như Vingroup (với Adayroi!) lại phải cạnh tranh với các hãng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm (Lazada, tiki.vn). FPT đã có mạng xã hội ttvnonline khá phát triển, nhưng sau đó không được mở rộng thành một sản phẩm thương mại. Viettel sở hữu số lượng thuê bao di động rất lớn, nhưng lại chỉ phát triển dịch vụ chuyển tiền qua thẻ cào, không phải là một hình thức ví điện tử. Không kể đến những đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào lĩnh vực tài chính, nhiều doanh nghiệp lớn đa dạng hóa sang thị trường truyền hình, game nhưng không đạt được thị phần tương ứng. VNPT còn ở thế bị động hơn nữa.

Bốn là, Việt Nam cần phải tạo lập hệ sinh thái toàn diện cho doanh nghiệp phát triển, người tiêu dùng được trở thành trung tâm của các sản phẩm, dịch vụ và đội ngũ lao động được đào tạo để tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Như vậy, vai trò của thị trường vốn, hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, thể chế pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, sự sẵn có của các viện nghiên cứu và phát triển công nghệ, trao đổi hợp tác giữa các trường đại học là rất quan trọng. Ngoài các chính sách về kinh tế, chính sách xã hội, an sinh xã hội cho người lao động ở các khu công nghiệp, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, phát triển cân bằng, bao trùm cũng đóng vai trò lớn trong việc phát triển nền kinh tế số hiện đại, hiệu quả và đem lại lợi ích cho tất cả các nhóm dân cư./.

ThS. Lê Minh Thành (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chen Yubo (2021), Future of China’s digital economy; Future of China’s digital economy – Opinion – Chinadaily.com.cn
  2. Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China’s Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016.
  3. Thanh Hà (2020), Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sớm hơn 5 năm so với dự kiến, Báo Lao động. Truy cập tại https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-tro-thanh-nen-kinh-te-so-1-the-gioi-som-hon-5-nam-so-voi-du-kien-865519.ldo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here