Các mô hình đầu tư và thương mại trong tương lai của Thái Lan sẽ được định hình bởi các dòng chảy ngầm toàn cầu lớn hơn, đặc biệt khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể đẩy nhanh các xu hướng như vậy.
Thái Lan đang đứng trước ngã rẽ về kinh tế, khi sự liên kết địa kinh tế toàn cầu chuyển dịch và công nghệ thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, các đối tác thương mại hàng đầu và các nhà đầu tư nước ngoài đang có những thay đổi, làm dấy lên lo ngại về tính phù hợp của mô hình phát triển của Thái Lan.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại San Francisco (Mỹ), quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và các CEO hàng đầu. Đây là sự kiện để các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về tương lai thương mại và tăng trưởng của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Đối với Thái Lan, đây cũng là một cơ hội lớn để quảng bá tiềm năng đầu tư của đất nước với phần còn lại của thế giới. Trong chuyến công tác kéo dài một tuần để tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavasin đã có rất nhiều cuộc gặp mặt trực tiếp với đại diện các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Tesla, Amazon, Google, Microsoft và NVIDIA.
Sự tiếp xúc này là một chiến lược không mới. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, dòng chảy thương mại và đầu tư của Thái Lan đã phát triển cùng với quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu. Tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Đông Nam Á đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2000. Mặc dù Thái Lan hiện chủ yếu giao thương với các quốc gia khác ở châu Á, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này, trong khi Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường lớn thứ hai.
Về mặt đầu tư, Nhật Bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ô tô truyền thống. Tuy nhiên, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang mở rộng đầu tư nhanh chóng tại Thái Lan, trong khi thị phần của các đối tác truyền thống như châu Âu và Mỹ lại giảm.
“Dấu chân” của Trung Quốc là rõ ràng nhất. Nước này đã giúp tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu của Thái Lan trong vòng 20 năm qua và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước này trong một thập kỷ gần đây. Trung Quốc cũng đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nguồn cung cấp vốn FDI mới hàng đầu kể từ năm 2019 (trừ những năm diễn ra đại dịch COVID-19).
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư lớn vào các lĩnh vực mới nổi của Thái Lan như xe điện và năng lượng tái tạo. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện chiếm giữ vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp xe điện của Thái Lan, trong khi ngành công nghiệp ô tô truyền thống vẫn do các công ty Nhật Bản và phương Tây thống trị.
Những thay đổi này được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố lực đẩy và sức kéo. Các công ty đa quốc gia đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để tăng khả năng phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch gần đây gây ra.
Họ coi mối liên kết sâu rộng của Thái Lan với châu Á, cơ sở hạ tầng cạnh tranh so với các nước khác và sự cởi mở là những điểm mạnh chính. Lĩnh vực sản xuất ô tô của Thái Lan cũng tạo điều kiện cho nước này xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và bây giờ là Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc gia tăng phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào cũng gây ra những lo ngại về sự phụ thuộc quá mức. Điều này được thể hiện khi chuỗi cung ứng điện tử của Thái Lan bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi nguồn cung chất bán dẫn (chip) của Trung Quốc bị đình trệ.
Các mô hình đầu tư và thương mại trong tương lai của Thái Lan sẽ được định hình bởi các dòng chảy ngầm toàn cầu lớn hơn, đặc biệt khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể đẩy nhanh các xu hướng như vậy. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất xe điện trong nước.
Nhưng nước này coi Thái Lan là một trung tâm sản xuất hấp dẫn của khu vực, có thể cho phép Trung Quốc tránh được thuế quan của Mỹ. Mối quan hệ kinh doanh ngày càng phát triển cũng có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến nhập khẩu từ Trung Quốc, để gia tăng hoạt động sản xuất phụ tùng ô tô của Thái Lan. Và với việc coi Thái Lan là căn cứ ở ASEAN, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu xe điện sang phần còn lại của Đông Nam Á và xuất khẩu xe cơ giới của Thái Lan có thể sẽ rời xa Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này hiện nay.
Do đó, Thái Lan phải đối mặt với hai khía cạnh kinh tế liên quan đến nhau. Đầu tiên là nâng cao năng lực cạnh tranh. Yếu tố này sẽ rất quan trọng để nắm bắt được những thay đổi hiện có trong thương mại và đầu tư, giữa bối cảnh các quốc gia khác – trong và ngoài châu Á – cũng đang có những hành động tương tự. Những nỗ lực về số hóa, cơ sở hạ tầng và cải cách cũng quan trọng không kém, nhưng phải đi kèm với việc cải thiện các yếu tố tụt hậu như phát triển kỹ năng. Điều này sẽ giúp neo giữ các hoạt động kinh doanh nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang căng thẳng và tiến trình tái cơ cấu địa kinh tế diễn ra mạnh mẽ.
Ngoài ra, Thái Lan cũng phải đề phòng rủi ro sự phụ thuộc quá mức bằng cách duy trì các liên kết kinh tế bên ngoài đa dạng. Điều này có nghĩa là phải tăng gấp đôi nỗ lực trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là với các nền kinh tế như Hàn Quốc và Mexico, nơi thị phần xuất khẩu của Thái Lan đã rất lớn.
Thái Lan cũng nên tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các đối tác mới nổi ở Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á để mở rộng thị trường. Những động thái chủ động như vậy sẽ xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài trong tương lai.
Để điều hướng các thực tế địa kinh tế mới, Thái Lan sẽ cần đạt được sự cân bằng tốt giữa việc nắm bắt các cơ hội tốt nhất cho thương mại và đầu tư, trong khi giảm thiểu những cạm bẫy của việc phụ thuộc quá mức vào bất kỳ thị trường nào. Cách tiếp cận theo hai hướng này đòi hỏi phải nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước đồng thời tìm kiếm sự đa dạng hóa hơn ở nước ngoài. Việc thành công thực hiện hành động cân bằng tinh tế này sẽ quyết định sự thịnh vượng của Thái Lan trong một trật tự thế giới ngày càng phức tạp.
Huy Tiến