Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ tạo nên sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu

0
42
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, phát biểu tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, phát biểu tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.

Theo các chuyên gia môi trường, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò là một chủ thể hạt nhân, nòng cốt và tinh thần xung kích trong việc thực thi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt đối với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thực tiễn quá trình khảo sát xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài Nguyên & Môi trường cùng các nhóm chuyên gia đều nhận thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã có nhiều sáng kiến hay trong việc ứng dụng và thúc đẩy thực thi kinh tế tuần hoàn vào từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” ngày 16/11/2023, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, nhận định năm 2022, chính phủ Việt Nam đã cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero, bằng việc khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Kể từ đó, rất nhiều các bên đã phối hợp cùng nhau để phát triển dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn (NAPCE) cho đến năm 2050 để có thể chính thức ra mắt ngày hôm nay.

CEO SCG nhấn mạnh, NAPCE chính là lộ trình thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định – NDC, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kế hoạch này đại diện cho nỗ lực tập thể của tất cả các bên và thể hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu và định hướng phát triển kinh tế quốc gia theo những chuẩn mực quốc tế.

Song theo ông Roongrote Rangsiyopash, việc triển khai thành công kế hoạch này đòi hỏi sự hợp tác từ tất cả khu vực. Trong đó, chính phủ sẽ cung cấp nền tảng, chính sách, hướng dẫn, hạ tầng và thông tin. Còn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện vòng khép kín của kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược ESG để đánh giá các tác động bền vững và đạo đức của các khoản đầu tư hay vận hành kinh doanh. Cách tiếp cận này cũng tương đồng với những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.

Tại SCG, theo vị CEO, SCG đã thực hành kinh doanh với chiến lược ESG 4 Plus làm kim chỉ nam. Chiến lược bao gồm các mục tiêu: Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển xanh, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy sự hợp tác, với tiêu chí quản trị minh bạch để xây dựng niềm tin.

Với chiến lược này, các tổ chức của SCG có thể đưa doanh nghiệp phát triển theo định hướng bền vững và đạt được những kết quả đáng chú ý.

Như sử dụng bao bì xanh: sản xuất các đơn vật liệu trọng lượng nhẹ, có khả năng tái chế 100%. Hay ly sử dụng một lần với chất liệu nhựa sinh học PLA. Các sản phẩm này giúp giảm lượng chất thải ra môi trường và mang đến cơ hội cho các sáng kiến mới.

Hay sử dụng nhựa polymer xanh, đây là một loại nhựa thân thiện với môi trường, tối ưu lợi ích và giá trị sử dụng qua 4 giải pháp: Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và tái tạo của SCG.

Bên cạnh đó, ngành hoá dầu SCGC của SCG cũng phối hợp với các đối tác như CP Foods để phát triển các giải pháp bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm chung của các doanh nghiệp đối với các mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về bao bì bền vững trong nước.

Ngoài ra SCG thực hiện giải pháp xây dựng xanh. Ở giải pháp này, SCG tận dụng chất thải xây dựng bằng cách nghiền nát hoặc điều hướng công năng cho nhiều mục đích khác nhau như lát đường hay làm các tấm bê tông.

“Cách tiếp cận này giúp giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu nguyên chất, giảm ô nhiễm, chi phí vận chuyển chất thải, và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Roongrote Rangsiyopash nhấn mạnh.

Dẫn chứng như dự án “One Bangkok” – dự án phát triển phức hợp được phát triển bởi Frasers Property Limited và SCG, sử dụng phương thức xây dựng bền vững. Sự hợp tác này hướng đến giảm thiểu tài nguyên và quản lý chất thải xây dựng trong những dự án xây dựng đô thị.

“Với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng chiến lược ESG trong hoạt động kinh doanh của họ, để tuân thủ theo định hướng mới và cùng nhau nỗ lực vì một mục tiêu chung”, ông Roongrote Rangsiyopash tin tưởng.

Song CEO SCG cũng cho rằng để thúc đẩy hơn nữa các tác động của kinh tế tuần hoàn và tiến trình thực hiện, cần có sự hợp tác liên ngành nhằm đạt được những kết quả lớn hơn.

“Chúng tôi mong chờ được cộng tác với các đối tác tại Việt Nam để áp dụng và thực hành các nguyên tắc ESG, từ đó, thúc đẩy thực hiện kinh tế toàn hoàn. Mục tiêu của chúng tôi là cùng nhau tăng trưởng bền vững hơn và lớn mạnh hơn, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh của khối kinh tế ASEAN trên trường quốc tế”, CEO SCG nhấn mạnh.

Nhân dịp này, ông Roongrote Rangsiyopash chúc mừng những cột mốc của Việt Nam trong việc đưa kinh tế tuần hoàn vào chương trình nghị sự quốc gia. Ông tin rằng với kế hoạch này và thông tư gần nhất của chính phủ về thị trường giao dịch carbon, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực. Đây cũng sẽ là thế mạnh cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

(Vũ Khuê)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here