Trung Quốc luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam

0
56
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Sáng 13/11/2023, Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10 đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, do đó việc tổ chức Hội nghị này là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hai nước sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Trình bày một số nét chính về hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc và kiến nghị một số giải pháp để hợp tác giữa tác địa phương trong tuyến hành lang kinh tế phát huy hơn nữa lợi thế của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về một số thành tựu hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhật khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư, tính đến nay các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.

Trong đó, Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đã xác định phương hướng phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

“Tôi cho rằng, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi, thảo luận để cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả những nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Về hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), tháng 11/2006, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa Chính phủ nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hóa Nhân  dân Trung Hoa. Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là một trong 2 tuyến hành lang kinh tế của khuôn khổ “Hai hành lang một vành đai”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để cụ thể hóa nội dung của Bản ghi nhớ nêu trên, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành của hai nước đã triển khai nhiều thoả thuận, chương trình và dự án hợp tác cụ thể; các địa phương trong tuyến hành lang cũng như các địa phương giáp biên giới của hai nước đã thiết lập các cơ chế trao đổi định kỳ, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.

“Có thể nói, các chương trình, hoạt động hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế thời gian qua đã góp phần tích cực cho phát triển quan hệ giữa hai nước”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai”

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa hai bên thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Ông dẫn chứng: Hai bên chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; Hợp tác thương mại chưa ổn định, thiếu bền vững, nhất là thương mại biên giới, trong đó, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc; Sự phối hợp và tính kết nối giữa các địa phương hai nước còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia của các địa phương khác ngoài tuyến hành lang kinh tế.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/11/2017, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh đại Uỷ ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc thay mặt Chính phủ hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang một vành đai với Sáng kiến Vành đai và con đường”.

Nội dung chính của của Bản ghi nhớ là hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong 5 lĩnh vực: Phối hợp chính sách, kết nối hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, hợp tác tài chính và kết nối con người.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc đang trao đổi về “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang một vành đai với Sáng kiến Vành đai và con đường” để triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương hai nước, nhất là các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế thúc đẩy hợp tác, kết nối.

Để thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai” nói chung và hợp tác trong Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, thúc đẩy nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, nhất là là hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu; nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch và đi lại của người dân hai nước.

Thứ hai, tăng cường thuận lợi hóa thương mại, nhất là đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản; Tăng cường ứng dụng công nghệ số, áp dụng số hóa trong quá trình thông quan tại cửa khẩu biên giới hai nước.

Thứ ba, nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác theo hướng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của hai nước.

Thứ tư, các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế cần tăng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại mỗi bên để doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh của mỗi nước.

Thứ năm, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân hai nước.

Cuối bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ tin tưởng rằng: “Với nền tảng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, với những nhận thức chung đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, cùng với sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta, quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, trong đó có hợp tác trong Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nhất định sẽ có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới”.

(Hạnh Phúc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here