Khóa họp lần thứ V Uỷ ban hỗn hợp thực thi FTA Việt Nam – EAEU

0
55
congthuong.vn
congthuong.vn

Chiều 13/11/2023, tại Hà Nội, Khóa họp lần thứ V Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu đã được diễn ra. Khóa họp lần thứ V Ủy ban Hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEUFTA) do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phụ trách Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á – Âu Andrey Slepnev đồng chủ trì diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Tham dự Khóa họp, về phía Việt Nam có đại diện các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương và Văn phòng Chính phủ. Về phía Liên minh Kinh tế Á – Âu, tham dự có đại diện Ủy ban Kinh tế Á – Âu và đại diện các bộ, ngành của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan). Ngoài ra, còn có các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước: Liên bang Nga, Armenia, Belarus và Kazakhstan tại Việt Nam.

Phát biểu tại Khoá họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Andrey Slepnev thống nhất cho rằng, Hiệp định Việt Nam – EAEUFTA đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển thương mại hai chiều mạnh mẽ giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Theo số liệu của Liên minh Kinh tế Á – Âu, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu đã tăng mạnh từ 5,9 tỷ USD vào năm 2017 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong thương mại với Liên minh Kinh tế Á – Âu, Liên bang Nga vẫn là đối tác lớn nhất, chiếm 66% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á – Âu và 97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cũng như những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu giảm mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, thương mại hai chiều đã có dấu hiệu hồi phục vào năm 2023. 9 tháng đầu năm 2023, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á – Âu đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Liên minh Kinh tế Á – Âu đạt khoảng 1,4 tỷ USD.

Về việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Việt Nam – EAEUFTA được đánh giá là rất tích cực. Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 7 tháng năm 2023, tỷ lệ tận dụng C/O form Liên minh Kinh tế Á – Âu đạt khoảng 51% kim ngạch thương mại hai chiều, cao hơn so với chỉ số của những năm trước (năm 2022 là 38%, năm 2021 là 31%, và năm 2020 là 28%). Điều này cho thấy rằng, doanh nghiệp hai Bên đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tận dụng tốt hơn các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định Việt Nam – EAEUFTA đã và đang mang lại.

Về hợp tác đầu tư, hai Bên nhấn mạnh rất coi trọng việc tăng cường hợp tác đầu tư giữa các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu và Việt Nam vì mục tiêu chính của Hiệp định là nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy và tăng cường các cơ hội đầu tư giữa các Bên thông qua việc phát triển hơn nữa môi trường đầu tư thuận lợi.

Song song đó, lãnh đạo hai Bên cũng tích cực ghi nhận những tiến bộ đạt được, trong việc triển khai các dự án đầu tư ưu tiên giữa các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu và Việt Nam. Đồng thời, thống nhất tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết mọi vấn đề mà các nước thành viên có thể gặp phải, trong việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế đa phương và song phương nhằm chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội mỗi nước là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và là hành động vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số điều khoản, quy định trong Hiệp định Việt Nam – EAEUFTA không còn phù hợp, do vậy, Bộ trưởng cho rằng, hai Bên cần xem xét kỹ lưỡng, nghiên cứu các giải pháp mới để tăng cường hiệu quả của Hiệp định, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, trong đó cần xem xét một số biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, hai Bên nhanh chóng khởi động nghiên cứu khả thi về khả năng sửa đổi, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu;

Thứ hai, tiếp tục mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn liên quan thanh toán, vận tải và di chuyển giữa người dân, đặc biệt là doanh nhân giữa hai nước. Riêng về vấn đề miễn thị thực, đề nghị các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu tiếp tục xem xét đề nghị miễn thị thực cho công dân Việt Nam ở mức tương ứng như Việt Nam đang dành cho các nước Bạn;

Thứ ba, các cơ quan chức năng của hai Bên nỗ lực tìm kiếm những phương hướng, dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực mới: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới và sáng tạo…

Kết thúc Khóa họp, hai Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo cấp kỹ thuật hai Bên tiếp tục tạo điều kiện để hàng hoá tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, loại bỏ các rào cản về thương mại, nhất là các thủ tục hành chính để tăng cường mạnh mẽ hơn thương mại hai chiều.

Đồng thời, thống nhất tăng cường thông tin cho nhau những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của mỗi nước để giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh của mình một cách hiệu quả hơn.

Đặc biệt, hai Bộ trưởng cũng nhất trí tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai Bên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường của nhau để tìm kiếm đối tác, phát huy tối đa khả năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo để có các kết quả cụ thể, thực chất hơn; đồng thời sẵn sàng báo cáo Chính phủ hai Bên về những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để thúc đẩy hợp tác đối với các nội dung đã được hai Bên trao đổi và thống nhất.

(Khánh An – Cấn Dũng/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here