Trung Quốc ‘săn lùng’ sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam

0
40
Trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sắn và sản phẩm sắn xếp thứ 5 về giá trị. (Nguồn: Mekong ASEAN)

Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam.

Trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sắn và sản phẩm sắn xếp thứ 5 về giá trị. (Nguồn: Mekong ASEAN)

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, thu về gần 1,03 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về giá trị.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 9 mặt hàng (thủy sản (7,44 tỷ USD), rau quả (4,82 tỷ USD), cao su (2,37 tỷ USD), hạt điều (2,95 tỷ USD), cà phê (3,29 tỷ USD), gạo (3.95 tỷ USD), gỗ và lâm sản (10,91 tỷ USD), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (1,01 tỷ USD) lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam.

Trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sắn và sản phẩm sắn xếp thứ 5 về giá trị, đứng sau rau quả, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545 – 560 USD/tấn, tại cảng TP. Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 4.300 – 4.500 Nhân dân tệ/tấn (khoảng 320 USD/tấn). Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn, giao tại cảng Quy Nhơn.

Trong năm 2022, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,49%, tăng mạnh so với mức 17,56% của năm 2021.

Tổng cục Thống kê thông tin, thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam hiện có có 528.000 ha sắn.

Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu vẫn cao do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung suy giảm trong bối cảnh diện tích trồng sắn ở một số tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng đến năng suất sắn vụ mới năm 2023. Thế nên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn Việt Nam sẽ khó tăng mạnh.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, đến nay, ngành sắn Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng phát triển tự phát, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể. Từ đó, dẫn đến tình trạng không đảm bảo sự cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất chế biến.

Các doanh nghiệp nhỏ lẻ còn chưa chú trọng liên kết trong sản xuất, thiếu đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự ổn định vùng nguyên liệu.

Để tăng năng suất và sản lượng cho cây sắn trong giai đoạn năm 2023 – 2028, Hiệp hội sắn Việt Nam đã chủ động kết hợp với Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị bền vững, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD/năm.

Thời gian tới, ông Nghiêm Minh Tiến cho rằng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm Phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here