Thanh Hóa nỗ lực đưa sản phẩm OCOP ‘xuất ngoại’, chinh phục các thị trường khó tính

0
65
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu. (Nguồn: CT)

Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 23 sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu. (Nguồn: CT)

Theo ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa, khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đến nay, 100% đơn vị cấp huyện đã xây dựng được sản phẩm OCOP.

Hiện tỉnh Thanh Hóa có 436 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao và 3 sản phẩm “tiềm năng” 5 sao. Tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế và phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Tiêu biểu như: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia (huyện Hoằng Hóa), các sản phẩm cói (huyện Nga Sơn), bánh răng bừa Xuân Lập (huyện Thọ Xuân), chè xanh sạch Bình Sơn (huyện Triệu Sơn), chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc), gạo nếp Kay nọi (huyện Mường Lát)…

Cùng với đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu.

Ông Bùi Công Anh cho biết, sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đồng thời, nâng cao trình độ, tư duy sản xuất của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.

Tuy đã tạo được hệ sinh thái sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường song vẫn chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Do đó, các sở, ngành, địa phương và các chủ thể đã, đang nỗ lực để nhiều sản phẩm OCOP được “xuất ngoại”. Từ đó, khẳng định được vị thế, chất lượng của sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, theo ông Bùi Công Anh, tỉnh Thanh Hóa xác định, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử là một giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng. Tỉnh đã đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Xây dựng thị trường, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Tiki, Tabao, Sendo… Cùng với đó, các sản phẩm OCOP cũng được cập nhật, giới thiệu trên chuyên trang thông tin điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong Chương trình OCOP, nhưng các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các chủ thể sản xuất chưa có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh còn chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Ông Bùi Công Anh nói: “Với những nỗ lực không ngừng của các chủ thể và sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 23 sản phẩm xuất khẩu, như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Mỹ và các nước châu Âu; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia; moi khô Long Dương đã xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa phát triển vươn xa hơn nữa, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm.

 Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here