Thời gian qua, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, đặc biệt các tổ chức tín dụng như tổ chức S&P đã xếp Việt Nam là B, B+, có nghĩa là triển vọng và ổn định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định như vậy trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 6/11.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn ĐBQC tỉnh Bắc Giang) cho biết, tại Quyết định số 412 ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, Chính phủ có đặt ra mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín nhiệm quốc gia.
Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, những điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng như Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng tới mục tiêu xếp hạng đầu tư, góp phần hỗ trợ thúc đẩy khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian vừa qua, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, đặc biệt các tổ chức tín dụng như tổ chức S&P đã xếp Việt Nam là B, B+, có nghĩa là triển vọng và ổn định. Còn tổ chức Moody, trong 2 năm vừa qua đã xếp chúng ta là Ba2, có nghĩa là gói triển vọng và ổn định, trong khi đó có 15 quốc gia bị hạ điểm tín nhiệm quốc gia.
“Điều đó thể hiện các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề xếp hạng tín nhiệm. Khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên, điều đó tạo niềm tin cho các quỹ đầu tư tài chính. Từ đó, các ngân hàng của thế giới sẽ đổ tiền vào nền kinh tế Việt Nam với niềm tin cao hơn, thúc đẩy cho quá trình phát phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua, tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Mỹ, Bộ trưởng có làm việc với lãnh đạo của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của thế giới là tổ chức Moody và tổ chức S&P, họ cũng đánh giá rất cao về vấn đề thị trường tài chính của Việt Nam, họ cũng tin tưởng là một trong những nền kinh tế năng động và phát triển.
Tuy nhiên, hai tổ chức nói trên kiến nghị ba vấn đề với Việt Nam. Cụ thể như:
Thứ nhất là việc giải quyết một số vấn đề trên thị trường tài chính hiện nay, chẳng hạn như nợ tín dụng, nợ ngân hàng, nợ xấu tăng cao hay nợ trái phiếu, tăng cao và nợ quá hạn giải quyết thế nào.
Thứ hai, vấn đề giải quyết như thế nào đối với giải ngân đầu tư công ách tắc.
Thứ ba, quan điểm của Chính phủ, giải pháp của Chính phủ trong vấn đề thị trường bất động sản hiện nay đang ảm đạm được xử lý và giải quyết như thế nào.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, yêu cầu: “Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin: “Hiện nay Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban chứng khoán sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các giải pháp để nâng hạng của thị trường chứng khoán. Chúng tôi cũng cử Ủy ban Chứng khoán đi làm việc với Mỹ, tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư để họ hiểu hơn về thị trường tài chính của Việt Nam đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và các ngân hàng trên thế giới”.
Mai Hương