Kinh doanh với đối tác Nhật Bản, không chỉ dừng ở việc “mua đứt – bán đoạn”

0
83
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam. Hình ảnh chuối Việt Nam tại Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 9/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 17,2 tỷ USD, chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu cả nước, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam. Hình ảnh chuối Việt Nam tại Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc).

Hết tháng 9, có 5 nhóm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu là dệt may với kim ngạch đạt 2,93 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 17% kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,3%, chiếm 12,4%.

3 nhóm còn lại có kim ngạch “tỷ USD” nhưng tăng trưởng âm là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,02 tỷ USD, chiếm 11,7%, giảm 2,25%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 7,32%, giảm 9,5%; thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 6,42%, giảm 12,9%.

Chiều ngược lại, hết tháng 9, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt hơn 15,7 tỷ USD, chiếm 6,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm, Việt Nam xuất siêu 1,5 tỷ USD sang thị trường Nhật Bản.

Các chuyên gia nhận định, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu. Các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… với ưu đãi về thuế quan cũng tạo ra lợi thế cho Việt Nam đưa hàng hóa, đặc biệt là nông sản sang thị trường Nhật Bản.

Thời gian tới, để các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường đạt hiệu quả cao, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đề xuất Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistics để bảo quản và vận chuyển nông sản xuất khẩu.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.

Về phía doanh nghiệp, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng; hợp tác với đối tác để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc “mua đứt – bán đoạn” mà cần tiếp tục theo dõi phản hồi từ thị trường nhằm tránh rủi ro để đảm bảo uy tín thương hiệu sản phẩm.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here