Ngành tôm Mỹ lại kiện tôm Việt: Thách thức hay cơ hội mở rộng thị phần?

0
41
(minh họa)
(minh họa)

Hiệp hội Chế biến Thủy sản Mỹ (ASPA) mới đây đã nộp đơn lên Bộ Thương mại (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.

Quyết định có khởi xướng điều tra hay không sẽ được đưa ra trước ngày 15/11. Với vụ kiện này, 6 nước xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới đều vướng vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ. ASPA ước tính biên độ bán phá giá của Ecuador lên tới 111% trong khi biên độ phá giá của Indonesia lên tới 37%.

Liệu đây là thách thức hay là cơ hội cho tôm Việt trong bối cảnh ngành đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết trong những lần tôm Việt Nam bị khởi kiện CVD trước đây, bối cảnh còn nhiều yếu tố phức tạp trong chứng minh Việt Nam đã và đang hình thành nền kinh tế thị trường. Tình hình hiện tại đã khác. Việt Nam được rất nhiều nước lớn công nhận điều này và tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính ngày càng rõ nét.

Bên cạnh đó, giá tôm Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước khác. Do vậy, ông Lực cho rằng “CVD sẽ có kết quả ổn thỏa”.

Mới đây, VASEP họp các doanh nghiệp tôm tham gia thị trường Mỹ và nhờ hãng luật tư vấn. Các doanh nghiệp này sẽ trả lời các nội dung cần thiết để hãng luật sớm có phương án để bảo vệ quyền lợi.

Điểm tập trung của các doanh nghiệp lúc này là xem xét tác động từ vụ kiện bán phá giá, nếu xảy ra. Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Ecuador và Indonesia sẽ được DOC công bố tạm tính sớm nhất là nửa cuối năm 2024. Mức thuế sẽ phụ thuộc vào sự chứng minh của hai bên lên DOC.

Tuy nhiên, theo ông Lực, giá bán tôm các bị đơn này rất thấp, dẫn tới mức thuế sẽ là con số không nhỏ.

“Giả sử tôm Ecuador bị thuế chỉ khoảng 30% và tôm Indonesia khoảng 10% (tương đương bằng 1/3 so với ước tính biên độ phá giá của ASPA đề cập trong đơn kiện), mức thuế sẽ gây lỗ lớn cho các doanh nghiệp tôm hai nước này nếu còn theo đuổi thị trường Mỹ. Trong thực tế, tỷ suất lợi nhuận ngành tôm dưới 5%”, ông nói.

Điều này đồng nghĩa, tôm Việt Nam sẽ rộng đường hơn tại thị trường Mỹ. Bởi, từ trước đến nay, tôm Việt Nam chịu áp lực lớn về giá bán khi Ecuador do nước này có lợi thế về nuôi tôm nguyên liệu với chi phí thấp. Trong khi đó, hàng Việt Nam chủ yếu là chế biến sâu và giá thành nuôi tôm nguyên liệu cao nên giá bán đắt hơn so với đối thủ. Khi bị áp thuế, khoảng cách giá tôm của Ecuador và Việt Nam sẽ được thu hẹp.

Theo số liệu Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ trong 8 tháng năm nay, giá tôm Mỹ nhập khẩu của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia chỉ khoảng 6 – 8 USD/kg. Trong khi giá nhập từ Việt Nam là gần 11 USD/kg, cao thứ nhất trong số các nước xuất khẩu tôm sang Mỹ bị khởi kiện.

Tôm Việt Nam có lợi thế ở khúc thị phần chế biến sâu và giá cả được kỳ vọng cải thiện khi nguồn cung tôm vào Mỹ bị hạn chế. Ngành tôm Ấn Độ cũng đang cố gắng cải thiện trình độ chế biến, nhưng vẫn còn cách xa Việt Nam.

Số liệu:Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, cơ hội nào cũng sẽ đi kèm với thách thức khi áp lực từ các thị trường truyền thống khác của Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Theo ông Lực, hàng trăm nghìn tấn tôm Ecuador và Indonesia nếu không bán vào Mỹ, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các thị trường còn lại.

Hiện tại, tôm sơ chế (nguyên con hoặc bỏ đầu cấp đông dạng block) Ecuador dẫn đầu tại thị trường EU và Trung Quốc. Các nước Nam Âu rất chuộng tôm Ecuador. Tôm Indonesia đứng thứ hai ở Nhật Bản sau Việt Nam. Theo lý thuyết, để chuyển đổi thị trường nhanh nhất, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các thị trường trọng điểm còn lại.

Lúc đó tôm Ecuador sẽ mạnh mẽ hơn ở EU lẫn Trung Quốc, tôm Indonesia sẽ cạnh tranh quyết liệt tôm Việt Nam ở Nhật Bản. Tôm Việt đứng thứ hai ở EU, như vậy hai thị trường lớn tôm Việt sẽ bị xâm lấn đáng kể.

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc mua thêm nhiều tôm giá rẻ từ Ecuador, ít nhiều làm giảm giá lẫn lượng tôm mua từ Việt Nam. Điều này sẽ vẫn xảy ra ngay cả khi mặt hàng tôm bán sang Trung Quốc khá đặc thù là tôm sú và tôm thẻ chân trắng luộc chín.

Mặc dù vậy, ông cho rằng áp lực đối với ngành tôm trước thông tin ASPA gửi đơn kiện là không nhiều.

“Điều cần làm là giải quyết khó khăn nội tại. Đó là tìm giải pháp chống đỡ bệnh trên tôm nuôi, kiểm soát tôm giống chặt chẽ, tìm mọi nguồn đầu tư thủy lợi cho nuôi tôm… Tất cả việc này nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. Và đó là sức cạnh tranh mạnh mẽ cần làm nhất hiện nay”, Chủ tịch Sao Ta nói.

(H.Mĩ/doanhnhanvietnam)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here