Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sớm đạt 200 tỷ USD

0
78
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 6. (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)

Sáng 31/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 6 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 6. (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)

Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 300 lần đạt 124 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam với trên 1.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11/43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vô cùng to lớn. Đây được xác định là động lực chủ yếu và là động cơ vĩnh cửu thúc đẩy quan hệ song phương.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tạo thuận lợi để các cơ quan, doanh nghiệp Hoa Kỳ triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam, để tận dụng tốt nhất những cơ hội từ mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị: “Hai bên tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện hóa các cam kết trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Doanh nghiệp hai bên cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế – thương mại, tăng cường xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của nhau, cùng hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng mới, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm cả các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 200 tỷ USD trong thời gian tới”.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, thời gian tới, hai chính phủ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tập trung ưu tiên trọng tâm kinh tế thương mại và đầu tư, lĩnh vực được xem là cốt lõi của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện:

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ: “Doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng nỗ lực hỗ trợ tiến trình Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, qua đó, tạo thêm thuận lợi mới cho quan hệ thương mại đầu tư song phương, cân bằng lợi ích của các nước, đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển như Việt Nam, cũng như giúp đỡ Việt Nam trong quá trình triển khai thỏa thuận này”.

Về phần mình, Chủ tịch VCC Phạm Tấn Công cho biết, sau 6 năm tổ chức sự kiện thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành dấu ấn quan trọng và là sự kiện đáng mong đợi nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai quốc gia. Đó cũng là minh chứng cho sự kết nối hơn nữa, để tạo nên một môi trường thuận lợi thu hút đầu tư mới và thúc đầy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.

Chủ tịch AmCham John Rockhold ghi nhận, việc nâng cấp mối quan hệ của hai quốc gia để trở thành những đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian gần đây, đã cho thấy, đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để hợp tác nhằm hoàn thiện cơ cấu chính sách và môi trường kinh tế để thu hút những nhà đầu tư mới hoặc ghép các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện tại để cùng phát triển.

“Những tiến triển trong các lĩnh vực then chốt được đề cập tại hội nghị sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam”, ông John Rockhold nói.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2023 tập trung vào các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam như: Tháo gỡ nút thắt trong huy động nguồn lực, sản xuất và kinh doanh; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; bảo đảm khả năng tiếp cận, chi trả và đổi mới trong ngành y tế; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; nâng cấp từ thị trường cận biên lên dạng thị trường mới nổi; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng, ví dụ như chuẩn bị cho cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here