Số liệu thông kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xơ sợi của Việt Nam tháng 9 đạt 153.768 tấn với trị giá hơn 373 USD/tấn, giảm 11,7% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với tháng trước đó.
Hết quý III/2023, xuất khẩu xơ sợi thu về 3,2 tỷ USD với hơn 1,3 triệu tấn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, tăng 9,3% về lượng nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đạt 77.459 tấn với trị giá hơn 203 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm gần 20% so với tháng 8/2023.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 647.862 tấn xơ sợi và thu về hơn 1,71 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 2.652 USD/tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của xơ sợi Việt Nam. Trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 10.898 tấn với trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 8/2023.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ sợi sang thị trường này đạt 101.880 tấn và thu về hơn 284 triệu USD, giảm 5,78% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.788 USD/tấn, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm 2022.
Xếp thứ 3 là thị trường Mỹ. 9 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang Mỹ 75.483 tấn xơ sợi với trị giá hơn 108 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.443 USD/tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 1 nửa so với giá xuất khẩu sang Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới và là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Ông Cao Hữu Hiếu, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may thông thường sẽ tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ hội, do đó hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xơ sợi được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.
Đơn cử như nửa đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sợi và khăn của Dệt sợi Damsan sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng 2,6 lần so với nửa cuối năm 2022, đạt khoảng 5.600 tấn.
Dệt sợi Damsan cho biết, lượng đơn hàng hiện tại đã đủ chạy hết công suất cho đến cuối quý 3/2023. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu của Sợi Thế kỷ đã tăng lên mức 53% trong 6 tháng đầu năm nay, so với mức 52% trong năm 2022.
Để nắm bắt các cơ hội từ thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu xơ, sợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường đầu tư mới, mở rộng sản xuất.
Ví dụ như Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex), trong 2 năm 2023-2025 sẽ tiếp tục đầu tư Nhà máy sợi 3 tại Hà Nam, quy mô 39.000 cọc sợi – 10.800 tấn/năm với tổng vốn dự kiến 750 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã hoàn thành đầu tư Nhà máy sợi có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị sản xuất sợi của Vinatex, với tổng mức đầu tư 511 tỷ đồng. Nhà máy đạt công suất thiết kế khoảng 500 tấn/tháng, mặt hàng mục tiêu là sợi 100% cotton chải kỹ và chải thô có chỉ số bình quân Ne 32 – 34, hướng tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Âu.
Nhà máy mới sẽ giúp tiết kiệm được lực lượng lao động, đồng thời cải thiện năng suất. Quy mô 30.000 cọc sợi, nhưng chỉ cần 130 lao động, giảm được một nửa số lao động so với nhà máy cũ. Nhà máy cũng được lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, hướng tới tiết kiệm nguồn năng lượng, bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.
Khánh Ly