Vì sao kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giữ nhịp tăng?

0
324
Vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh, chi phí thấp đã giúp rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. 

Vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh, chi phí thấp đã giúp rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Theo Bộ Công Thương, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%).

Bên cạnh đó, các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới được thực hiện tốt, nhờ đó hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như mặt hàng cao su, tháng 9/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156,34 nghìn tấn, trị giá 202,44 triệu USD.

Đây là tháng thứ 8 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,09 triệu tấn cao su, trị giá 1,44 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan nửa đầu tháng 10 (1-15/10) về mặt hàng rau quả cho thấy, xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD.

Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực, đặc biệt là Trung Quốc. Việt Nam đã ký kết nhiều nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh, chi phí thấp đã giúp rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản qua 9 tháng ước đạt 38,48 tỷ USD. Đất nước tỷ dân đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả; trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam đang tục đàm phán với Trung Quốc các Nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: Dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Các chuyên gia cho rằng, để giữ nhịp xuất khẩu hàng sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, doanh nghiệp  phải tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ những quy định về tiêu chuẩn từ thị trường này. Bởi phía Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây… nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận thấy, người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Ông Nam nhấn mạnh: “Như với trái cây, ngay từ vườn trồng phải minh bạch từ quá trình chăm sóc sao cho đảm bảo đúng quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; cơ sở đóng gói cũng cần kiểm soát tốt các vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch… để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu”.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here