Chìa khóa cho kỷ nguyên hydro “xanh” của Đức

0
65
(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

Đa số giới chính trị, khoa học và kinh doanh đều cho rằng nguồn năng lượng hydro “xanh” trung hòa với khí hậu sẽ sớm trở thành nguồn “dầu mỏ mới” của thế giới. Nhưng quá trình bước vào kỷ nguyên hydro thực tế lại khó khăn hơn nhiều so với dự kiến, do nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Nguồn năng lượng hydro “xanh” trung hòa với khí hậu sẽ sớm trở thành nguồn “dầu mỏ mới” của thế giới (Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

Việc cung cấp hydro xanh thay thế khí đốt tự nhiên cho miền Nam nước Đức – khu vực cách xa các cảng biển – được coi là đặc biệt khó khăn. Giờ đây, giải pháp đã được đưa ra. Năm nhà khai thác hệ thống đường ống hàng đầu châu Âu đã nhất trí tiến hành dự án xây dựng một đường ống dẫn khí hydro khổng lồ. Dự án này sẽ là chìa khóa cho kỷ nguyên hydro “xanh” của nước Đức.

Theo phân tích của Die Welt, các nhà cung cấp năng lượng cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng đầu tư vào các hệ thống điện phân đắt tiền để sản xuất hydro trên quy mô thương mại. Bởi vì hiện không có mạng lưới đường ống phù hợp để vận chuyển loại khí dễ bay hơi này. Những các nhà xây dựng lại không muốn lắp đặt đường ống khi chưa có khách hàng. Trong khi đó, các công ty công nghiệp và tiện ích đô thị không muốn ký các hợp đồng mua bán khí cố định khi không có mạng lưới vận chuyển. Đó là một vòng luẩn quẩn.

Giờ đây, vấn đề “con gà và quả trứng” đang được giải quyết một cách tích cực, các nhà khai thác đường ống châu Âu sẽ là những người đầu tiên hành động và đang “thanh toán trước” cho việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí hydro khổng lồ mới. Theo tính toán của họ, một khi các đường ống đã nằm trong lòng đất, chúng sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Khi đó, một nền kinh tế hydro có quy mô tương đương với ngành dầu mỏ hiện tại sẽ tự phát triển vì lợi ích của các quốc gia liên quan.

Với sự chứng kiến của đại diện chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Ủy ban châu Âu (EC), ngày 18/10 tại thủ đô Berlin, năm nhà khai thác đường ống hàng đầu châu Âu gồm Enagas của Tây Ban Nha, REN của Bồ Đào Nha, Terega và GRTgaz của Pháp và OGE của Đức, đã ký thỏa thuận xây dựng dự án đường ống dẫn khí xuyên biên giới “H2Med”, nhằm đưa hydro sản xuất tại bán đảo Iberia trong tương lai tới Đức.

Dự kiến sản lượng hydro ước đạt hai triệu tấn/năm, đường ống này có thể vận chuyển khoảng 10% nhu cầu hydro của châu Âu vào năm 2030. Đây là một phần của hệ thống “Xương sống hydro châu Âu” – một mạng lưới hydro toàn châu Âu theo kế hoạch của EC.

Dự án “H2Med” cho hành lang phía Tây Nam châu Âu là sự kết nối dự án “Mạng lưới hydro” của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (dự án CelZa) với dự án đường ống hydro xuyên biển giữa Barcelona và Marseille (dự án BarMar) và đường ống HY-FEN của Pháp, sau đó được hợp nhất với đường ống khí đốt tự nhiên Megal của Đức.

Trên bán đảo Iberia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang có kế hoạch sản xuất hydro với tổng sản lượng khoảng 20 gigawatt vào năm 2030, gấp đôi so với kế hoạch sản xuất của chính phủ Đức hiện tại. Trong khi việc xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời và gió ở nước Đức với dân cư đông đúc và trời thường nhiều mây (đặc biệt trong mùa Đông) thường tốn kém và dễ dẫn đến xung đột, thì bán đảo Iberia có rất nhiều tiềm năng về điện xanh từ gió và Mặt Trời. Các cao nguyên ở Tây Ban Nha dân cư thưa thớt, không chỉ có nhiều không gian mà còn có điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiều nắng và gió. Các nhà máy điện phân tại đây có thể sản xuất hydro với số lượng lớn hơn và rẻ hơn nhiều so với ở Đức.

Các nhà điều hành đường ống đang tiến hành khảo sát để xác định nhu cầu chính xác của những người mua hydro tiềm năng dọc theo tuyến đường. Dự kiến trong năm 2024, khối lượng vận tải sẽ được đưa ra đấu thầu theo quy trình. Quyết định đầu tư cuối cùng và tiến trình khởi công xây dựng dự án sẽ diễn ra vào cuối năm 2025 hoặc 2026. Theo kế hoạch, tuyến đường ống sẽ đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2030.

Tại biên giới Đức-Pháp ở bang Saarland Tây Nam nước Đức, đường ống “H2Med” sẽ kết nối với “mạng lưới hydro lõi” của nước Đức – một mạng lưới vận chuyển dài khoảng 10.000 km mà Chính phủ liên bang Đức cùng với các nhà cung cấp khí đốt nước này đã lên kế hoạch xây dựng.

Miền Bắc nước Đức có các cảng biển, nơi khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển đến bằng tàu, có thể tiếp cận nguồn khí lỏng và tương lai là hydro lỏng tương đối dễ dàng. Nhưng miền Nam nước Đức, nơi cách xa các cảng biển, đến nay vẫn lo lắng về nguồn cung hydro. Do đó, dự án đường ống “H2Med” đưa hydro xanh từ phía Nam tới có vai trò hết sức quan trọng, mang đến sự hỗ trợ rất cần thiết cho các trung tâm công nghiệp lớn ở miền Nam nước Đức.

Ông Peter Adrian, Chủ tịch Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), cho biết đối với nhiều công ty công nghiệp, việc tiếp cận nhanh chóng nguồn hydro xanh với mức giá cạnh tranh là điều quan trọng để tồn tại và phát triển. Khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp chia sẻ họ mong muốn tiếp cận nguồn nhiên liệu mới này càng nhanh càng tốt.

Theo ông Adrian, nước Đức phải có nguồn cung cấp hydro rộng lớn, lâu dài và hiệu quả. Nhưng hiện tại điều này vẫn chưa khả thi. Do đó nước Đức cần phải gấp rút tăng tốc trong lĩnh vực này.

Chính phủ liên bang Đức muốn thiết lập công suất sản xuất hydro xanh 10 gigawatt vào năm 2030. Mức công suất này có thể đáp ứng 1/4 tổng nhu cầu hydro ước tính của đất nước. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm ngoái, các nhà máy điện phân hydro ở Đức chỉ có công suất 79 megawatt – đạt chưa tới 1% so với mục tiêu đề ra. Ông Adrian nhận định số liệu này cho thấy nước Đức chỉ có thể tự đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu hydro; phần rất lớn còn lại phải đến từ nước ngoài, trong đó tốt nhất là từ các đối tác châu Âu của Đức.

Chi phí của toàn bộ dự án “H2Med” sẽ lên tới nhiều tỷ euro. Chỉ riêng tuyến kết nối dưới biển giữa Barcelona và Marseille ước tính đã tiêu tốn khoảng 2,1 tỷ euro. Tại Berlin, các nhà điều hành đường ống khẳng định rằng khoảng 70% tuyến đường ống sẽ phải được xây dựng mới hoàn toàn, trong khi 30% còn lại có thể sử dụng đường ống khí đốt tự nhiên hiện có. Nguồn vốn đầu tư ban đầu phụ thuộc vào các khoản tài trợ từ EU và các quốc gia tham gia dự án, cho đến khi hoạt động kinh doanh hydro lỏng có thể tự duy trì phát triển.

Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra và các đòn trừng phạt của châu Âu khiến Nga ngừng cung cấp khí đốt cho EU, chính phủ Berlin đã tích cực vận động Paris và Madrid để dự án đường ống dẫn khí dưới biển giữa Barcelona và Marseille tiếp tục được triển khai. Chính phủ Pháp được cho là đã rất do dự khi cho phép xây dựng dự án đường ống xuyên biên giới vì không muốn chấp nhận vai trò thuần túy là quốc gia trung chuyển hydro, mà còn muốn trở thành nhà cung cấp loại nhiên liệu này.

Điều khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn là các nhà môi trường Đức không muốn nguồn cung hydro từ Pháp, vì nó không được sản xuất từ điện gió và điện mặt trời, mà là từ điện hạt nhân. Đức và Pháp vẫn có quan điểm trái ngược về việc phân loại điện hạt nhân vào dạng “năng lượng xanh”.

Để dự án có thể triển khai, các bên đã chấp nhận rằng hydro được sản xuất ở Pháp cũng có thể được đưa vào đường ống “H2Med” hướng tới Đức. Điều này cũng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu cho các nhà sản xuất của Pháp./.

Vũ Tùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here